Hòa Bình: Dân lập “chốt”, yêu cầu xử lý nhà máy ô nhiễm môi trường

07/01/2021 16:46

Theo dõi trên

Thời gian qua, người dân xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình phản ứng gay gắt bởi hoạt động của nhà máy sản xuất chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường, khiến toàn bộ cuộc sống và lao động sản xuất của người dân trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự việc đã diễn ra từ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

 

Theo tìm hiểu, Cty TNHH MDF Hòa Bình có nhà máy sản xuất chế biến gỗ tại xã Lạc Thịnh từ năm 2010, với công suất 54.000 tấn/năm. Quá trình hoạt động, nhà máy này đã gây ô nhiễm nguồn nước, không khí…

Từ năm 2010, khi có chủ trương xây dựng nhà máy này, người dân địa phương đã không đồng tình. Tuy nhiên, nhà máy vẫn xây dựng tại khu vực này. 

Kể từ khi đi vào hoạt động, môi trường bị đe dọa do khí bụi và nguồn nước thải nhà máy xả ra, khiến người dân bất bình.
Bà con các xóm Thịnh Phú, xóm Sấu và Phố Sấu đã dựng lều, lán ở nơi mà nhà máy của Công ty TNHH MDF Hòa Bình xả khói, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Nhân dân xã Lạc Thịnh lập “chốt”, yêu cầu xử lý nhà máy ô nhiễm môi trường

Ông Nguyễn Văn Chuộng, người dân xã Lạc Thịnh, cho biết: “Đã nhiều lần bà con nhân dân kiến nghị lên UBND xã và UBND huyện việc Cty MDF Hòa Bình gây ô nhiễm môi trường, nhưng các cấp không xử lý dứt điểm, buộc dân chúng tôi phải dựng lều lán để bảo vệ hiện trường chờ cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương về giải quyết”.

Anh Phạm Thanh Hoàn, người dân xã Lạc Thịnh, bức xúc: “Khí từ nhà máy thải ra khiến chúng tôi khó thở, nước thải xả ra môi trường xung quanh có mùi rất nặng. Qua nhiều lần đơn thư, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình có về xem xét làm việc với nhà máy, nhưng dân chúng tôi bị cấm, không cho vào chứng kiến buổi làm việc của họ. Đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn không thay đổi, khiến chúng tôi vô cùng bức xúc”.

Theo ghi nhận của PV, nguồn nước thải từ nhà máy đổ thẳng ra các khu ruộng của người dân, khiến cho nhiều diện tích ruộng không còn giá trị sử dụng.

Bà Đỗ Thị Minh, người dân địa phương, bày tỏ: "Khi ruộng đất bị nhiễm nguồn nước thải từ nhà máy thì không thể canh tác, bỏ hoang cho cỏ mọc, cỏ mọc lên trâu bò nó cũng không ăn, con nào ăn sẽ bị bệnh tiêu chảy ngay. Còn người thì ốm đau bệnh tật đủ các kiểu, nhà nào có cháu nhỏ chỉ cho ở trong nhà chứ không cho ra ngoài, đây anh nhìn xem da tôi bị dính phải bụi từ nhà máy nên nổi ngứa hết cả lên đây này". 

Anh Nguyễn Văn Bình cho rằng: "Giếng này là giếng cổ, có từ lâu và không bao giờ bị hết nước. Nhưng sau này nhà máy hút nước ngầm từ giếng này để sản xuất, nên đã gây ra nhiều hố sụt lún khổng lồ, chúng tôi nhiều lần báo cáo lên cơ quan chức năng nhưng không được xử lý, các hố tử thần này rất nguy hiểm cho trẻ em và vật nuôi".

Theo người dân, việc nhà máy hút nước ngầm để sản xuất đã làm sụp lún đất tạo thành nhiều hố sâu rất nguy hiểm
Công ty TNHH MDF Hòa Bình xả khói, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân

Cách nhà máy khoảng 200m là khu dân cư. Nước từ nhà máy thải ra có màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, chảy qua tường rào vào ruộng và mương nước phía bên ngoài gây ô nhiễm đến môi trường và cuộc sống của người dân. Thậm chí người dân phải lấp giếng, vì cho rằng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm độc.

"Trước kia cả xóm lấy nước ăn từ giếng này, sau đó nước giếng bị nhiễm độc chuyển màu đen và bốc mùi hôi thối, nên chúng tôi phải lấp bỏ và bây giờ cả xóm phải đi vào làng xin nước ăn", bà Bùi Thị Nìn nói.

Trao đổi với PV, ông Dương Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Thịnh, thông tin: "Từ khi nhà máy về đây, người dân cũng có nhiều phản ánh lên xã, chúng tôi cũng ghi nhận và làm báo cáo gửi lên cấp trên để các cơ quan chức năng chuyên môn về kiểm tra và có biện pháp xử lý. Gần đây khi nguồn nước bị rò rỉ ra ngoài thì người dân đã lập lán trại để phản đối, xã cũng cử cán bộ đi ghi nhận và tuyên truyền cho bà con không được manh động gây mất trật tự an ninh địa phương, còn trên huyện và tỉnh cũng cử đoàn cán bộ xuống kiểm tra rồi".

Ghi nhận của PV tại hiện trường, xung quanh nhà máy không có hệ thống tiêu thoát nguồn nước, nước thải rò rỉ ra đều đổ trực tiếp xuống các con mương đất và bốc mùi hôi thối. 

Người dân phải bịt mũi khi đến gần mương nước ở cách đồng

Cho đến nay, người dân xã Lạc Thịnh vẫn liên tục gửi đơn thư cầu cứu tới các cơ quan chức năng, còn phía nhà máy, hàng ngày vẫn hoạt động 24/24h, khói bụi, nước thải và mùi hôi thối vẫn thải ra cả vùng dân cư.

Truyền hình Người đưa tin pháp luật sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau.

Phong Hào
Bạn đang đọc bài viết "Hòa Bình: Dân lập “chốt”, yêu cầu xử lý nhà máy ô nhiễm môi trường" tại chuyên mục Đời sống. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036