Mới đây, một công ty có bài đăng trên mạng xã hội nói về những về thiệt hại lớn do hai nhân viên gây ra sau khi nghỉ việc. Bài viết lên án cách hành xử sau nghỉ việc của những người mới đi làm thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, về phía Công ty H. đã tuyển dụng 2 nhân viên trẻ làm công việc marketing bán thời gian. Sau vài tháng làm việc, công ty quyết định chấm dứt thỏa thuận lao động vì cả 2 nhân sự không đạt hiệu quả công việc theo yêu cầu của công ty. Quy định của công ty H. đưa ra là giữ 25 giờ lương gần nhất của nhân viên và chỉ thanh toán khi nhân sự hoàn thành xong thủ tục bàn giao công việc sau khi nghỉ việc. Nhưng 2 nhân viên không thực hiện việc bàn giao, liên tục trì hoãn.
Về phía 2 bạn nhân viên, họ cho rằng “Khi vào công ty không ai bàn giao thì tại sao bây giờ nghỉ phải bàn giao cho người khác?”. Ngoài ra cả hai cũng cho rằng việc công ty giữ lương 25 giờ gần nhất cho đến khi bàn giao xong là bất hợp lý.
Đỉnh điểm sự việc xảy ra vào rạng sáng ngày 12/7/2023, 2 nhân viên đã đăng nhập vào các tài khoản MXH của công ty để xóa các dữ liệu gồm toàn bộ thông tin, hình ảnh,… liên quan đến các đại lý/CTV của công ty. Tuy nhiên, vụ việc đã nhanh chóng bị công ty H phát hiện.
Bài đăng sau khi được chia sẻ đã gây ra nhiều tranh luận khác nhau, nhiều người cho rằng đây là tài liệu của công ty, là tài sản, công sức xây dựng của cả một tập thể, vì vậy dù là lý do gì, việc tự ý xoá dữ liệu của công ty là hành động sai trái. Cái giá phải trả cho hành động này là có thể đối diện pháp luật. Ngược lại, nhiều bạn đọc cũng lên tiếng bảo vệ 2 bạn trẻ. Họ cho rằng việc công ty tự ý “bóc phốt”, đăng thông tin cá nhân lên mạng mà chưa được sự đồng ý là hành vi xúc phạm danh dự, uy tín nhân viên.
Chia sẻ với PV Người đưa tin TV, Luật sư Dương Lê Ước An (Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát) cho biết: “Dưới góc độ của pháp luật an ninh mạng thì hành vi “bóc phốt”, xúc phạm, danh dự, uy tín nhân viên là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng 2018”.
Theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP việc Công ty chia sẻ thông tin xúc phạm uy tín của nhân viên thì sẽ bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng. Đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ những thông tin, bài đăng này.
Về phía nhân viên, Luật sư An nhận định: “Hành vi xóa dữ liệu chung, tùy theo tính chất mức độ thì nhân viên đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, thì việc xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của công ty trên môi trường mạng sẽ bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng.
Ngoài ra, hành vi xóa dữ liệu công ty của người lao động còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử theo quy định tại Điều 287 Bộ Luật hình sự 2015.
Việc xuất hiện những mâu thuẫn là điều không đáng có trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nhưng việc xử lý không khéo léo, không phù hợp với quy định pháp luật có thể dẫn đến những rủi ro về mặt pháp lý đối với cả hai phía. Vì vậy, khi gặp phải trường hợp tương tự, chúng ta cần bình tĩnh, tìm cách liên hệ, trao đổi giữa hai bên để tìm hướng giải quyết chung. Phía công ty có quyền khởi kiện người lao động yêu cầu bồi thường thiệt hại. Về phía người lao động, hoàn toàn có quyền yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng những cam kết theo hợp đồng, khởi kiện hoặc tố giác người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.