Ngày 18/10/2018, ấn phẩm “Hôn nhân & Pháp luật” của báo Đời sống và Pháp luật đăng tải bài báo phản ánh việc lãnh đạo một Sở của tỉnh Thái Nguyên sử dụng xe công đi liên hoan ở Cát Bà-Hải Phòng trong ngày Quốc tang, vi phạm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi báo đăng, phóng viên liên tục nhận được điện thoại vào lúc nửa đêm của ông Tạ Văn Lộc - Chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên, uy hiếp và sách nhiễu đòi “gỡ” bài.
Ông Tạ Văn Lộc - Chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên. |
Sau khi không đạt được mục đích, vị chuyên viên này đã gửi đơn mang tính chất bịa đặt, thậm chí cắt ghép nội dung bài báo để vu khống, đe dọa, xúc phạm danh dự phóng viên và cơ quan báo chí đến Văn phòng UBND tỉnh. Ngay sau đó, ông Chánh văn phòng UBND tỉnh đã có công văn số 323/VP-TH ngày 24/10/2018 về việc “xem xét trách nhiệm, xử lý người vi phạm trong quá trình tác nghiệp, thông tin trên báo Đời sống & Pháp luật” gửi đến các cơ quan trung ương và lãnh đạo tỉnh và chuyển đơn của ông Lộc.
Công văn số 323/VP-TH ngày 24/10/2018. |
Sau khi nhận được công văn và đơn nêu trên, Ban Biên tập báo Đời sống và Pháp luật đã xem xét toàn bộ tài liệu liên quan và có công văn số 214/2018/ĐSPL gửi tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên phản ánh và trả lời sự việc nêu trên.
Để rộng đường dư luận và trả lời nội dung đơn của ông Lộc, báo Đời sống và Pháp luật xin đăng tải nội dung công văn đề nghị lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên xem xét xử lý việc vu khống, xúc phạm danh dự và đe dọa, cản trở phóng viên tác nghiệp đúng pháp luật của các ông Chánh Văn phòng, chuyên viên văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 5/11/2018, báo Đời sống và Pháp luật nhận được công văn số 323/VP-TH ngày 24/10/2018 của Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên về việc “Xem xét trách nhiệm, xử lý người vi phạm trong quá trình tác nghiệp, thông tin trên báo điện tử Đời sống và Pháp luật” liên quan đến bài viết “Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào Tạo Thái Nguyên đi “tri ân” trong ngày Quốc tang có vô cảm không” (kèm theo đơn của ông Tạ Văn Lộc, chuyên viên phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND tỉnh).
Sau khi xem xét toàn bộ tài liệu liên quan, Ban Biên tập báo Đời sống và Pháp luật nhận thấy: nội dung các bài báo có liên quan đăng tải trên báo Đời sống và Pháp luật là chính xác, trung thực, khách quan; việc tác nghiệp của phóng viên hoàn toàn tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Sau khi báo đăng tải, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên đã có phản hồi tiếp thu và nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với những thông tin góp ý trong bài báo.
Công văn số 214/2018/ĐSPL ngày 05/11/2018. |
Tuy nhiên, sau khi báo đăng, ông Tạ Văn Lộc, chuyên viên phòng Tổng hợp, yêu cầu phóng viên phải gỡ bỏ bài báo. Trong suốt chiều 18/10/2018 cho đến nửa đêm cùng ngày, ông Lộc liên tục nháy máy gọi điện vào số máy của phóng viên với những yêu cầu tương tự như trên. Đến 23h26 phút ông Lộc tiếp tục gọi điện cho PV với những nội dung có tính chất uy hiếp, đe dọa phóng viên phải gỡ bỏ bài viết ngay không thì ông Lộc sẽ gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo phóng viên viết bài với những thông tin sai sự thật.
Ông Lộc đọc cho phóng viên nghe những nội dung ông sẽ tố cáo phóng viên với cơ quan chức năng để phóng viên bị mất việc, bị thu lại thẻ nhà báo, bị truy cứu trách nhiệm hình sự… Trước sự việc bị uy hiếp, gia đình phóng viên đã hoang mang lo sợ và băn khoăn không biết người tự xưng là Lộc kia có phải cán bộ UBND tỉnh Thái Nguyên hay một thành phần xã hội nào đó.
Vào lúc 23h40 cùng ngày, ông Lộc lại gọi đến tiếp gọi cho phóng viên với những nội dung tương tự. Phóng viên đã đề nghị ông Lộc chấm dứt việc liên tục khủng bố phóng viên và gia đình bằng điện thoại lúc nửa đêm, đồng thời phản hồi với ông Lộc việc gỡ bài thuộc thẩm quyền Ban Biên tập.
Sau khi uy hiếp phóng viên nhưng không đạt được mục đích, ông Lộc đã viết đơn đề nghị Chánh văn phòng UBND tỉnh ban hành văn bản đề nghị cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí và Tổng biên tập báo “xem xét trách nhiệm kíp phóng viên và người kiểm duyệt thông tin bài báo” và quy chụp “phóng viên Nguyên đã vi phạm quy trình tác nghiệp, vi nghiêm trọng 10 điều đạo đức của Người làm báo Việt Nam…” .
Sau khi đơn đề nghị của ông Lộc được gửi đến Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên, thay vì tìm hiểu làm rõ sự việc và chấn chỉnh, xử lý sai phạm của chuyên viên trong đơn vị mình quản lý, ông Bùi Thanh Hải – Chánh văn phòng UBND tỉnh đã ký công văn số 323/VP-TH “về việc xem xét trách nhiệm, xử lý người vi phạm trong quá trình tác nghiệp, thông tin trên báo điện tử Đời sống & Pháp luật” gửi đến các cơ quan chức năng ở Trung ương và tỉnh Thái Nguyên với nội dung chuyển đơn của ông Lộc và đề nghị các cơ quan “xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định”. Trong đơn, ông Lộc đã đưa ra những thông tin bịa đặt, sai sự thật, thậm chí cắt dán nội dung bài viết đã được đăng tải trên báo để ngụy tạo chứng cứ vu khống phóng viên và cơ quan báo chí và đề nghị “xem xét xử lý phóng viên Nguyên theo quy định của Luật Báo chí và Luật Hình sự Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo hiện hành”.
Như vậy, ngay trong phần tiêu đề của công văn, ông Chánh văn phòng UBND tỉnh đã cố tình vi phạm Luật báo chí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ký công văn sai sự thật, xúc phạm danh dự, cản trở phóng viên và cơ quan báo chí hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, thậm chí cố tình vu khống và quy chụp phóng viên và cơ quan báo chí. Sự việc cụ thể như sau:
- Ngày 17/10/2018, phóng viên Vương Xuân Nguyên liên hệ làm việc với Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên theo Giấy giới thiệu của Báo Đời sống & Pháp luật để xác minh thông tin lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên sử dụng xe công đi liên hoan tại Hải Phòng trong 02 ngày quốc tang 6-7/10/2018 (cùng đi với phóng viên Nguyên có phóng viên khác của báo là anh Hoàng Văn Phương). Theo sự phân công của lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Tạ Văn Lộc, chuyên viên phòng Tổng hợp đã làm việc với phóng viên Vương Xuân Nguyên theo nội dung trên. Buổi làm việc diễn ra vào chiều ngày 17/10/2018 chứ không phải 10h sáng ngày 17/10/2018 như trong đơn đề nghị của ông Tạ Văn Lộc. Đây là sự nhầm lẫn hoặc là sự cố ý bịa đặt của người viết đơn.
- Tại buổi làm việc, ông Tạ Văn Lộc đã chủ động cung cấp nhiều thông tin có liên quan trực tiếp đến sự việc trên cho phóng viên Vương Xuân Nguyên. Việc phóng viên Vương Xuân Nguyên đến Văn phòng UBND tỉnh tìm hiểu thông tin, xuất trình giấy giới thiệu và sau đó đăng tải chính xác nội dung thông tin do ông Lộc - chuyên viên được Văn phòng UBND phân công tiếp báo chí – cung cấp, cũng như ghi âm toàn bộ cuộc trao đổi là hoạt động tác nghiệp báo chí đúng pháp luật.
Các công cụ phục vụ công tác thu thập thông tin, tài liệu, lời nói, hình ảnh của cá nhân, tổ chức có liên quan trực tiếp đến công việc tác nghiệp báo chí như máy ảnh, máy ghi âm, máy ghi hình, máy quay phim… được xác định là “phương tiện” tác nghiệp báo chí mà mọi hành vi cản trở, đe dọa, thu giữ trái phép đều bị xử lý theo Điều 7 Nghị định số 159/2013/NĐ – CP.
Trong buổi làm việc, ông Lộc đã có những lời lẽ thiếu văn hóa, thậm chí lăng mạ báo chí. Cụ thể, khi nhân định về bài báo viết về việc lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng xe công đi liên hoan đăng trên một tờ báo, ông Lộc cho rằng: “Sau khi đọc bài viết, tôi thấy ông nhà báo này như là kẻ cướp… Bao nhiêu tiêu cực ông có giỏi thì đi mà điều tra. Là con người, ai chẳng phải ăn, chẳng phải liên hoan”. Việc sử dụng xe công đi liên hoan trong ngày Quốc tang là hành vi đi ngược với tinh thần chỉ thị của Thủ Tướng chính phủ trong việc sử dụng xe công.
Trong khi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên - đơn vị được phản ánh trong nội dung bài báo đã hết sức cầu thị, tiếp thu và nghiêm túc rút kinh nghiệm thì những phát ngôn vô trách nhiệm, thiếu văn hóa, xúc phạm danh dự nhà báo như trên của người được Văn phòng UBND tỉnh giao nhiệm vụ tiếp báo chí cần được cơ quan này xem xét, xử lý nghiêm túc.
- Kết thúc buổi làm việc giữa phóng viên Vương Xuân Nguyên và ông Tạ Văn Lộc, Báo Đời sống & Pháp luật đã có bài báo đăng tải một cách chính xác, khách quan, trung thực những thông tin mà ông Tạ Văn Lộc đã cung cấp cho phóng viên Vương Xuân Nguyên. Sau khi bài báo được đăng tải, thì liên tục từ chiều cho tới gần 12h đêm ngày 18/10/2018, ông Tạ Văn Lộc đã gọi điện nhiều lần yêu cầu phóng viên Vương Xuân Nguyên phải gỡ bỏ bài báo trên. Việc này là hành vi uy hiếp, sách nhiễu đối với phóng viên tác nghiệp đúng pháp luật và được coi là cản trở hoạt động tác nghiệp báo chí.
- Bài báo “Thái Nguyên: Lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo sử dụng xe công đi du lịch Cát Bà?” đăng vào lúc 14h18ph ngày 16/10/2018 được ông Tạ Văn Lộc kèm theo đơn đề nghị gửi Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên đã bị cắt 2/3 nội dung phản ánh sự né tránh báo chí của lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thái Nguyên và được ông Tạ Văn Lộc ghép nội dung bài báo “Lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo Thái Nguyên đi tri ân trong ngày quốc tang có vô cảm không?” đăng vào lúc 16h25ph ngày 18/10/2018. Đây là bằng chứng cho việc cắt dán những nội dung không trung thực nhằm tạo “bằng chứng giả” phản ánh sai sự thật, vu khống phóng viên và cơ quan báo chí của ông Tạ Văn Lộc.
- Tương tự, trong đơn đề nghị, ông Tạ Văn Lộc đã bịa đặt việc Báo Đời sống & Phát luật đã “gỡ” thông tin liên quan vào sáng ngày 19/10/2018. Báo Đời sống & Pháp luật không hề “gỡ” bài, tin, phóng sự video có liên quan đến nội dung đề cập trên.
Ban Biên tập báo Đời sống và Pháp luật khẳng định một lần nữa, việc phóng viên sử dụng chính xác thông tin trong buổi làm việc tại Văn phòng UBND do chuyên viên Văn phòng UBND được giao nhiệm vụ tiếp báo chí cung cấp để đưa vào bài viết và nêu rõ xuất xứ nguồn tin là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. (Điều 38, Luật báo chí 2016 quy định rõ: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin”). Nội dung thông tin trong bài báo hoàn toàn chính xác, khách quan và đã được Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Thái Nguyên nghiêm túc tiếp thu và rút kinh nghiệm.
Vì vậy, Ban Biên tập báo Đời sống và Pháp luật trân trọng đề nghị quý cơ quan xem xét, làm rõ sự việc ông Tạ Văn Lộc – chuyên viên phòng tổng hợp Văn phòng UBND tỉnh và ông Bùi Thanh Hải, Chánh văn phòng UBND tỉnh có hành vi vu khống, xúc phạm danh dự và đe dọa, cản trở phóng viên và cơ quan báo chí trong hoạt động nghiệp vụ đúng pháp luật và có hình thức xử lý nghiêm túc. Hành vi của ông Lộc và ông Hải đã vi phạm nghiêm trọng khoản 12, điều 9 Luật Báo chí 2016, theo đó quy định nghiêm cấm hành vi “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Ban Biên tập báo Đời sống và Pháp luật cũng đề nghị quý cơ quan có biện pháp bảo vệ phóng viên và cơ quan báo chí hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật trên địa bàn tỉnh.
- Theo phản ánh của phóng viên Vương Xuân Nguyên cũng như trong đơn đề nghị của ông Tạ Văn Lộc, tại buổi làm việc, ông Tạ Văn Lộc xưng danh là nhà báo và có thẻ nhà báo đang còn hiệu lực. Hiện ông Tạ Văn Lộc là chuyên viên phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên, khi làm việc theo sự phân công của lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên lại xưng danh là nhà báo? Nếu đây là thẻ nhà báo thật thì việc ông Lộc sử dụng thẻ này đã vi phạm nghiêm trọng điều 26 và điều 27 của Luật Báo chí 2016 quy định về đối tượng, điều kiện và tiêu chuẩn được cấp thẻ nhà báo. Thẻ nhà báo sử dụng trái phép này cần được thu hồi. Báo Đời sống và Pháp luật đề nghị các cơ quan chức năng và Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét, xác minh và làm rõ.
Ban Biên tập báo Đời sống và Pháp luật trân trọng đề nghị các cơ quan chức năng và Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét, xác minh và làm rõ, giải quyết sự việc trên và sớm có hồi âm để đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật.