Mỗi con chữ, mỗi câu văn mà thầy Tẩn Vần Siệu truyền thụ cho học trò đều mang những giá trị nhân văn cao cả, hướng con người ta đến cách ứng xử với gia đình và cộng đồng có đạo nghĩa, biết nhường nhịn, lễ phép, trên kính, dưới nhường...
Vượt qua con đường mòn ngoằn ngoèo khó đi, qua 2 quả núi và xuyên dưới tán rừng âm u, chúng tôi tìm đến căn nhà nằm ở tít rừng sâu, cách biệt với những ồn ào náo nhiệt của đô thị du lịch Sa Pa.
Lớp học của ông Tẩn Vần Siệu nằm trong rừng sâu nhưng vẫn nổi tiếng khắp vùng. |
Thầy Tẩn Vần Siệu năm nay đã hơn 60 tuổi, một tai nạn nổ mìn cách đây hơn 30 năm đã cướp đi của ông một cánh tay và một con mắt.
Khi chúng tôi đến, cũng là lúc lớp học của thầy trò ông Siệu đang say sưa với bài học đạo, cả thầy và trò dừng buổi học để đón chúng tôi rất nồng nhiệt.
Ông chia sẻ với chúng tôi, ông được thừa hưởng kho tàng sách cổ từ người bố để lại. Bố ông xưa kia cũng là một thầy cúng nổi tiếng trong vùng. Ngày tóc ông còn để chỏm cũng là lúc ông được học những con chữ đầu tiên từ người bố.
Ông nói, sách cổ đối với người Dao còn quý hơn cả máu vì sách gắn liền với đời sống tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng, tri thức của tộc người Dao hàng trăm hàng nghìn năm. Nếu không có sách thì người Dao sẽ không còn là người Dao nữa. Do vậy, sách và chữ luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng người Dao ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Trước khi bố ông mất, ông cụ đã căn dặn rất cẩn thận rằng ông sẽ phải nối tiếp cha, chịu khó học tập nghiên cứu kho tàng sách cổ để sau này dạy lại cho các thế hệ con cháu biết về những giá trị của từng cuốn sách, từng con chữ của dân tộc mình.
Sau này, dù cuộc sống mưu sinh khó khăn, nhà đông con, kinh tế nghèo khó túng quẫn, đã có lúc ông tưởng không giữ được lời hứa với cha khi ông cụ nhắm mắt xuôi tay.Nhưng rồi ông đã làm được, ngày đi làm, tối đến đốt lửa nghiên cứu học tập chữ nghĩa. Đến năm 40 tuổi ông đã thông thạo mọi cuốn sách của người Dao hiện có ở Sa Pa.
Thầy Siệu tự biên soạn giáo trình giảng dạy để phù hợp với học trò. |
Hàng năm, cứ vào dịp nghỉ hè và đầu năm mới, ông Siệu lại tổ chức mở lớp học miễn phí cho con em người Dao trong vùng. Tùy thuộc vào trình độ nhận thức và sự hiểu biết của học trò, ông Siệu chia giáo trình ra thành các cấp bậc từ bậc 1 đến bậc 4 để dạy cho học trò.
Nhưng tất cả các giáo trình của ông đều hướng đến dạy cho học trò điều hay lẽ phải, biết đối nhân xử thế, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, hòa thuận với anh em bạn bè, tránh làm những điều sai trái, vi phạm pháp luật... Ngoài ra, ông còn dạy cho học trò biết hát giao duyên, biết những bài thuốc, các câu đố, tục ngữ ca dao gắn với lao động sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Siệu cho biết: "Hiện nay, rất nhiều các cháu thanh thiếu niên người Dao, do bị ảnh hưởng của du lịch, dẫn đến sự lai căng pha tạp của văn hóa ngoại lai. Các cháu lớn lên mà không biết đến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ngay cả một bài hát dân ca cũng không thuộc, tình đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái cũng giảm sút".
Nhiều đêm, nằm giữa đại ngàn ông đã trăn trở tìm cách lưu giữ cho được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Rồi ông lại ra sức mở lớp dạy học cho thanh thiếu niên người Dao trong vùng.
Lớp học của ông Siệu không lúc nào vắng học sinh. |
Bà Lý Mảy Chạn, một phụ huynh có con theo học chữ của thầy Siệu chia sẻ: "Chúng tôi rất vui vì có thầy Siệu dạy chữ cho các con. Bây giờ nhiều người Dao không biết chữ của người Dao, nên chúng tôi mang con cháu đến nhờ thầy Siệu dạy chữ cho. Để nó biết cái nguồn gốc tổ tiên của mình, biết cái văn hóa sống của dân tộc mình. Thầy Siệu dạy thì không lấy tiền, học trò rất yêu mến thầy".
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ Sở VHTT&DL Lào Cai cho biết: "Ông Tẩn Vần Siệu là người có tâm huyết với văn hóa người Dao, đặc biệt là việc truyền dạy chữ Nôm Dao cho học trò là thanh thiếu niên. Ông thường tự nguyện mở lớp miễn phí dạy chữ Nôm Dao cho học trò từ nhiều năm nay. Với những đóng góp và cống hiến cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2015 ông Siệu vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Ngoài ra ông còn được các tổ chức quốc tế như Unesco, SIDA... thường xuyên mời ông tham gia nghiên cứu về chữ Nôm Dao và văn hóa truyền thống của người Dao. Với những thành tích và kết quả như trên, nghệ nhân ưu tú Tẩn Vần Siệu là một người thầy mẫu mực, là tấm gương sáng để con cháu học theo, đồng thời còn là niềm tự hào chung cho cả cộng đồng người Dao tỉnh Lào Cai."
Gần 20 năm, đã có hàng trăm học trò trưởng thành từ lớp học nằm giữa rừng sâu của thầy Siệu. |
Anh Lý Láo Lở ở Tả Phìn cho biết: "Ngày xưa khi mình còn nhỏ, mình cũng đến học chữ của thầy Siệu, bây giờ mình lại đưa con mình đến theo học thầy. Là người Dao thì mình phải biết chữ của người Dao, như thế mới biết được những gì mà tổ tiên mình truyền lại cho con cháu thông qua sách cổ. Ở đây ai cũng muốn con em mình được thầy Siệu dạy chữ".
Ngành Văn hóa tỉnh Lào Cai và chính quyền địa phương cũng tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho lớp học của thầy trò ông Siệu được duy trì và phát triển, chính vì thế mà 20 năm qua, đã có hàng trăm học trò bước ra từ lớp học nằm giữa rừng sâu của thầy Siệu với những con chữ mang đầy giá trị nhân văn, để rồi dòng chảy văn hóa của cộng đồng người Dao từ hàng nghìn năm qua chưa bao giờ ngừng chảy.