Chợ đầu mối Minh Khai thuộc phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Là một trong những chợ đầu mối có lượng tiểu thương mua bán đông bậc nhất khu vực Từ Liêm. Chợ có diện tích khoảng 36.600m2 với khoảng gần 1000 hộ kinh doanh, trong đó số hộ kinh doanh thường xuyên là 800 hộ và khoảng gần 200 hộ kinh doanh vãng lai.
Hộp PCCC dùng để đựng rơm tại chợ đầu mối Minh Khai |
Qua nhiều ngày, đêm bám sát tại chợ, phóng viên nhận thấy chợ đầu mối Minh Khai tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ là rất cao. Đi dọc quanh chợ, không hề thấy bất kì một bình phòng cháy chữa cháy (PCCC) nào cả.
Các sạp bán hàng lớn nhỏ nằm liền kề sát nhau, được che phủ bởi các bạt lớn đều rất dễ bắt lửa. Khó lắm mới mới bắt gặp được các hộp treo bình PCCC nhưng các hộp đó thì lại như thế này đây.
Các vòi nước để bơm nước cho việc cứu hỏa cũng bị hoen gỉ, thậm chí còn bị cỏ mọc bao quanh |
Các vòi nước để bơm nước cho việc cứu hỏa cũng bị hoen gỉ, không được bảo dưỡng cẩn thận, thậm chí còn bị cỏ mọc bao quanh.
Chỉ khi đi vào phía bên trong Ban quản lý chợ thì có một vài bình cứu hỏa được để dưới đất. Tuy nhiên, những bình cứu hỏa này cũng nhuốm màu thời gian, đang trong quá trình hoen gỉ, không có phiếu kiểm định.
Các bình cứu hỏa được tìm thấy tại chợ đầu mối Minh Khai |
Theo Điều 15, Thông tư 52/2014/TT-BCA về Bảo quản, bảo dưỡng bình chữa cháy: Nếu bên ngoài thân bình bị gỉ sét, ăn mòn nhiều thì phải loại bỏ.
Phía mặt trước của cổng chợ là các ki ốt bán hàng nằm liền kề nhau. Có nhiều các hộ kinh doanh bán những mặt hàng rất dễ cháy nổ, như cửa hàng phông bạt, cửa hàng mài sắt thép,...Thậm chí còn có nhiều hộ kinh doanh nấu ăn trong không gian nhỏ hẹp như vậy. Mà tất cả các hộ kinh doanh tại đây đều không hề trang bị bình PCCC.
Theo Điều 7 Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định, các chợ có diện tích từ 300m2 trở lên phải đảm bảo các điều kiện về PCCC, bao gồm: Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn PCCC; có quy trình kỹ thuật an toàn về PCCC phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phải có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo quy định của Bộ Công an.
Cá nhân hoặc tổ chức vi phạm về phòng cháy chữa cháy có thể bị xử phạt đến 25.000.000 đồng (Điều 41, Nghị định 167/2013/NĐ-CP); hoặc phạt tù từ 7 - 12 năm (Bộ luật Hình sự).
Trên thực tế đã có rất nhiều vụ cháy chợ đã xảy ra và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về con người và tài sản xã hội. Đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC ở khu vực này, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.