Ninh Bình vừa dạy học vừa khắc phục khó khăn chương trình giáo dục phổ thông mới

03/12/2020 10:30

Theo dõi trên

Sau hơn hai tháng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, nhiều trường tiểu học tại tỉnh Ninh Bình còn gặp khó khăn do tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sĩ số học sinh đông, thiếu giáo viên đứng lớp. Điều này đòi hỏi việc dạy và học phải đảm bảo vừa thực hiện, vừa khắc phục khó khăn để lộ trình áp dụng chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi vào thực tế hiệu quả.

Tại trường Tiểu học Ninh Sơn, TP Ninh Bình, năm học 2020 - 2021 có 5 lớp 1, với 205 học sinh. Bình quân mỗi lớp học có 41 em. Trong khi, theo quy định Điều lệ trường tiểu học, mỗi lớp học chỉ có 35 học sinh. Bên cạnh đó, trường hiện còn thiếu giáo viên đứng lớp. 

Cô Ngô Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy lớp 1, trường Tiểu học Ninh Sơn cho biết: “Môn Tiếng Việt, về phần dạy âm chỉ dạy trong khoảng 6 tuần thôi nhưng thời gian này tôi thấy hơi nhanh, nên giãn ra để học sinh có thời gian nắm bắt chữ cái được chắc chắn, ví dụ những âm ghép hôm nay học âm các cháu chưa nhớ được nhưng hôm sau đã chuyển sang âm khác, nên tôi nghĩ những âm ghép một ngày nên học 1 âm thôi để các cháu nhớ được cách đọc, cách viết.”

Cô Lê Việt Hà, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình chia sẻ: “Khó khăn đó là về thiết bị dạy học. Nhà trường đã rà soát và đã lên kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học, đề nghị UBND thành phố hỗ trợ kinh phí nhưng đến thời điểm hiện tại nhà trường vẫn chưa có thiết bị cho giáo viên dạy học lớp 1.” 

Đa phần các trường tiểu học địa phương còn gặp nhiều khó khăn khi áp dụng chương trình dạy và học theo sách giáo khoa lớp 1 mới

 Chương trình dạy và học theo sách giáo khoa lớp 1 mới được triển khai tại tỉnh Ninh Bình có nhiều ưu điểm nhưng do đây là năm đầu tiên triển khai nên đa phần các trường tiểu học địa phương còn gặp nhiều khó khăn khi áp dụng. Đối với các trường tiểu học ở thành phố, nơi đông dân cư, khó khăn mà các trường gặp phải là quá tải số học sinh trên lớp, thiếu giáo viên đứng lớp theo quy định. Tại các trường tiểu học nông thôn, miền núi, số học sinh ít hơn nhưng lại gặp những khó khăn khác về cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học, thậm chí cả về sách giáo khoa.

Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Ninh Phong, TP Ninh Bình tâm sự: “Ngày tựu trường của các cháu năm nay hơi muộn hơn mọi năm rất nhiều nên sau khi khai giảng ngày 7/9 chúng tôi cho các cháu vào học chương trình ngày đầu tiên và không có tuần 0 mà đặc thù của học sinh lớp 1 là phải có tuần 0 để các cháu có thời gian thực hiện các kỹ năng mềm, sau đó học kiến thức tôi nghĩ sẽ dễ dàng hơn cho cả cô cả trò.”

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có hơn 19 nghìn học sinh lớp 1 với hơn 600 lớp. Để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trước đó, ngành Giáo dục Ninh Bình và các nhà trường đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất nhất là thiết bị hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, ngành vẫn còn một số khó khăn nhất định như đây là năm đầu tiên thực hiện nên các thầy cô còn lúng túng trong việc áp dụng sách giáo khoa mới. 

Một số sách tham khảo giá vẫn còn cao so với điều kiện thực tế nhiều gia đình

Bên cạnh đó, ở nhiều nhà trường, bộ thiết bị dùng chung cho giáo viên vẫn chưa mua kịp. Một số sách tham khảo dù mua theo tinh thần tự nguyện nhưng giá vẫn còn cao so với điều kiện thực tế nhiều gia đình, nhất là sách tiếng Anh và sách tham khảo. 

Thầy Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết: “Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tích cực dự giờ rút kinh nghiệm và bồi dưỡng ngay tại chỗ cho giáo viên; các nhà trường phải làm tốt công tác tham mưu để bổ sung cơ sở vật chất để giãn sĩ số học sinh trên lớp học đặc biệt phải có tầm nhìn trong mấy năm tới. Các trường tiểu học phải thẩm định sách tham khảo trước khi vào thư viện và giới thiệu sách tham khảo thật cần thiết cho phụ huynh mua, không yêu cầu phụ huynh phải mua hết tất cả các đầu sách tham khảo.”

Năm học 2021 - 2022, lộ trình triển khai chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục áp dụng với lớp 2 và lớp 6, ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có lộ trình sớm để bồi dưỡng giáo viên và đặc biệt là chủ động trong việc chọn lựa sách giáo khoa để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cao Thạch Thảo
Bạn đang đọc bài viết "Ninh Bình vừa dạy học vừa khắc phục khó khăn chương trình giáo dục phổ thông mới" tại chuyên mục Đời sống. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036