“Nỗi oan” của một vùng kinh tế mới (Bài 2): Từ “công thần” thành “tội đồ”

16/09/2023 18:07

Theo dõi trên

Hàng loạt sai phạm tại đất rừng Sóc Sơn, Hà Nội đã được chỉ ra và đang tiếp tục được xử lý. Tuy nhiên, tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, dù là đất khai hoang theo chính sách vùng kinh tế mới của Nhà nước, người dân đã sinh sống ổn định từ lâu nhưng cũng bị đánh đồng là đất rừng, đẩy người dân nơi đây từ những “khai quốc công thần” thành những "tội đồ" phá rừng.

Khu du lịch Hồ Đồng Đò là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Sóc Sơn, Hà Nội thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến xây dựng các mô hình nghỉ dưỡng, cafe… phát triển kinh tế. Du khách tới đây không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh nên thơ, yên bình, nằm sâu trong những ngọn đồi xanh mướt tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn. Thế nhưng, đằng sau khung cảnh yên bình ấy lại là những “cơn sóng ngầm” kéo dài hàng chục năm qua.

anh-chup-man-hinh-2023-09-15-luc-122551-1694755564.png
Khu hồ Đồng Đò ngày càng thu hút nhiều du khách và nhiều nhà đầu tư phát triển du lịch địa phương

Suốt nhiều năm nay, người dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Tp Hà Nội luôn bị mang tiếng là những người xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ như nhiều công trình biệt thự, nhà vườn, khu nghỉ dưỡng … vi phạm trật tự xây dựng khác ở huyện Sóc Sơn. Câu chuyện này bắt nguồn từ những năm 1998.

Ngày 13/12/1986, theo Quyết định số 5254/QĐ-UB, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt thành lập khu kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân), xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, di dân từ các xã như Tân Hưng, Bắc Phú, Minh Trí… lên khu Đồng Đò để khai hoang, phủ xanh đất trắng đồi trọc, xây dựng nhà cửa, phát triển nông lâm nghiệp. Có thể nói, người dân thôn Minh Tân chính là những “khai quốc công thần”, là “tác giả” của những ngọn đồi xanh rì như hiện tại.

Bà Nguyễn Thị Nghiêm (thôn Minh Tân, xã Minh Trí) cho biết: "Tôi lên đây từ thời điểm năm 1985 là đầu tiên, Nhà nước đưa chúng tôi lên đây, hỗ trợ 6 tháng gạo ăn, 500 viên ngói, 4 tạ xi măng."

Ông Nguyễn Đình Cường (Nguyên Trưởng thôn Minh Tân, xã Minh Trí): “Tôi lên đây từ năm 1985, vừa tròn 15 tuổi , trước đó tôi ở xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn. Theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, năm 1985, một chi gia tộc tôi lên trên này, có cụ tôi, ông tôi, bố tôi, tôi và con tôi, đến giờ là 5 thế hệ. Lúc bấy giờ lên kinh tế mới, huyện và thành phố vận động được 5 xã là xã Kim Lũ, Xuân Thu, Tân Hưng, Bắc Phú, Minh Trí. UBND huyện Sóc Sơn lúc đó có cung cấp gạo ăn 6 tháng, ngói để lợp nhà…”

qd5254-1-1694756151.jpg
Ngày 13/12/1986, theo Quyết định số 5254/QĐ-UB, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt thành lập khu kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân), xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn

Thời điểm trở thành khu kinh tế mới, thôn Minh Tân được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm… Các tổ chức đảng, đoàn thể cũng được thành lập vào thời điểm đó theo đúng quy trình. Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân Minh Tân vượt khó, vượt khổ, lao động chăm chỉ, phát triển kinh tế, xây dựng nhà cửa, canh tác, dần ổn định cuộc sống mới.

Bà Nguyễn Thị Nghiêm (thôn Minh Tân, xã Minh Trí) chia sẻ: “Lúc đó chưa có rừng, rừng đây là chúng tôi đi sang Lam lấy cây keo, lấy cây bạch đàn về để trồng . Năm 1992 mới bắt đầu vào kế hoạch trồng rừng, Nhà nước lúc đó mới đưa cho cây keo, cây thông, cây bạch đàn. Còn trước đó là không có. Trước chúng tôi lên là làm chè, trồng sắn để ăn.”

Ông Nguyễn Đình Cường (Nguyên Trưởng thôn Minh Tân, xã Minh Trí) cho biết: “Năm 1985 chúng tôi lên, cho đến năm 1992, đồi núi ở đây chỉ là đồi cỏ lông, cỏ re, cây sim, cây mua. Hoàn toàn chưa có rừng. Rừng có là từ năm 1991 trở đi đến năm 1998 mới có rừng. Rừng là do dân trồng. Từ 1985 đến 1991, nhân dân chúng tôi khai hoang để cấy lúa. Ở ven đồi, chỗ nào bình độ thấp dưới 25 độ thì chúng tôi cấy lúa nương và trồng sắn, có nhà trồng hàng ha sắn, trồng cây ăn quả, công tác chăn nuôi kết hợp với đi mua cây về. Như nhà tôi, mua hàng 10 vạn cây keo và thông, tự bỏ vốn ra, cũng như nhiều nhà khác, trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc. Năm 1998, huyện bắt đầu đầu tư cây giống cho bà con. Toàn bộ gần 700ha rừng này có đẹp như ngày hôm  nay là toàn bộ công sức của bà con chúng tôi. 300 hộ dân gánh lên trên đồi.”

img-8862-1694756585.jpg
Thời điểm lên xây dựng khu kinh tế mới, nhân dân Minh Tân được Nhà nước hỗ trợ gạo ăn 6 tháng, ngói, xi măng...
anh-chup-man-hinh-2023-09-15-luc-123803-1694756385.png
 Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập khu kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân, xã Minh Trí), huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Năm 1993, thôn Minh Tân không được dẫn đo vẽ bản đồ địa chính, nên năm 1998, theo Quyết định số 2334/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch đất rừng phòng hộ đặc dụng Sóc Sơn thì toàn bộ thôn Minh Tân đều nằm trong Quy hoạch rừng. Do những bất cập trong công tác quản lý đất rừng theo quy hoạch năm 1998, nên ngày 12/4/2005, thực hiện Quyết định số 7840 ngày 18/11/2004 của UBND thành phố Hà Nội, Đoàn Công tác liên ngành của thành phố đã có Báo cáo kết quả kiểm tra về thực trạng quản lý, sử dụng đất rừng phòng hộ, đặc dụng tại huyện Sóc Sơn. Trong đó, đã kiến nghị:

-   Điều chỉnh quy hoạch từ 2 loại rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thành 3 loại rừng: phòng hộ, đặc dụng và sản xuất cho phù hợp với lịch sử hình thành và phát triển rừng Sóc Sơn, phù hợp với chủ trương giao đất, giao rừng và xã hội hóa nghề rừng của Chính phủ, trong đó tách 955,75 ha thuộc khu đất dân cư nông thôn, diện tích đất lâm nghiệp đã triển khai các dự án của Chính phủ và thành phố, diện tích đất quốc phòng an ninh ra khỏi quy hoạch rừng.

-   Đối với một số khu vực dân cư đã ở lâu (thôn Minh Tân, xã Minh Trí…) nhưng chưa có bản đồ địa chính 1994, UBND huyện Sóc Sơn phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất cho đo vẽ bản đồ địa chính và có tờ trình UBND Thành phố xin chủ trương để cấp GCN cho các hộ.

anh-chup-man-hinh-2023-09-15-luc-132703-1694759267.png
 Kiến nghị của Đoàn công tác liên ngành theo Báo cáo số 301/BC/TTLN-P3 ngày 12/4/2005

Tuy nhiên, đến năm 2008, theo Quyết định số 2100/2008/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà nội về việc phê duyệt quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Sóc Sơn thì toàn bộ thôn Minh Tân lại một lần nữa nằm trong quy hoạch mà chưa được bóc tách. Không những không tách được thôn Minh Tân ra, mà còn chồng vào 52,4ha đất ở và đất nông nghiệp đã được đo trong bản đồ địa chính năm 1993.

Điều đáng nói, tấm bản đồ được cho là lập vào năm 2008, được ban hành kèm theo Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 29/5/2008, lại được lập không đúng quy định.

Theo một chuyên gia về bản đồ, tại thời điểm lập bản đồ 2008, xã Minh Trí chưa có bản đồ hiện trạng rừng, chưa có bản đồ địa chính nên chưa thể có cơ sở để lập nên tấm bản đồ 2008. Bên cạnh đó, đối với việc lập bản đồ, UBND cấp xã có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trình UBND huyện phê duyệt; UBND cấp huyện có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của cấp huyện, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trên tấm bản đồ thể hiện chủ đầu tư của dự án này lại là Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Sóc Sơn chứ không phải UBND xã Minh Trí. Thời điểm lập bản đồ, cư dân thôn Minh Tân cho biết họ không được lấy ý kiến và tham gia vào việc lập bản đồ này.

anh-chup-man-hinh-2023-09-15-luc-133106-1694759510.png
Tấm bản đồ được cho là lập vào năm 2008 - thời điểm xã Minh Trí chưa có bản đồ hiện trạng rừng, chưa có bản đồ địa chính
anh-chup-man-hinh-2023-09-15-luc-133042-1694759510.png
 Trên bản đồ không ghi ngày tháng năm lập, đơn vị chủ đầu tư, người kí phê duyệt... đặt ra nhiều nghi vấn về tính pháp lý của tấm bản đồ này

Ngoài ra, việc lập bản đồ với tỉ lệ 1/5000; trên tờ bản đồ không thể hiện thời gian lập; cấp ký phê duyệt là Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn… cũng cho đặt ra nhiều nghi vấn về tính pháp lý của bản đồ này.

Do vậy, việc UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn và UBND xã Minh Trí căn cứ vào bản đồ 2008 chưa đầy đủ tính pháp lý để xác định rằng toàn bộ thôn Minh Tân là đất rừng, đã dẫn đến hàng loạt quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và tinh thần của bà con Minh Tân.

Bạn đang đọc bài viết "“Nỗi oan” của một vùng kinh tế mới (Bài 2): Từ “công thần” thành “tội đồ”" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036