Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực ngoài bãi thuộc phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nước lũ lên nhanh, cùng với hậu quả của cơn bão số 3 để lại, đã gây thiệt hại khoảng 130ha cây nông nghiệp của người dân, với gần 100 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Phượng, ở phường Lĩnh Nam, cho biết: “Chuối tôi trồng từ đầu năm là hai vạn bảy cây, chăm bón đến bây giờ mà bị mưa bão, lũ lụt như thế này là đã mất hơn 1 tỷ đồng. Gia đình cũng không còn tiền vốn nào cả, tất cả đã dốc hết vào trang trại trồng trọt, đợt Tết thu hoạch mà như này rồi thì còn gì nữa”.
Ông Lê Hồng Minh, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam, thông tin: “Sau khi bão số 3 đi qua, lượng mưa thượng nguồn rất lớn, trong 1 đêm qua nước sông Hồng lên rất mạnh. Lĩnh Nam là địa bàn có nhiều diện tích đất nông nghiệp, nguyên diện tích rau thiệt hại 40ha, chuối là 70ha, diện tích các loại cây khác là 60ha. Diện tích chuối phục vụ Tết Nguyên đán, một năm thu 1 lần mà sắp đến dịch thu hoạch mà bị như thế này là gần như xóa sổ hoàn toàn, cho nên bà con Lĩnh Nam có nguy cơ mất trắng. Ước tính thiệt hại trên 70 tỷ đồng”.
Bên kia bãi sông Hồng, ghi nhận tại phường Thạch Cầu (quận Long Biên, Hà Nội) nước lũ lên nhanh đã gây ngập nhiều trang trại trồng cây ăn quả và chăn nuôi ở giáp sông Hồng. Một trang trại nuôi dê đã bị chết đuối hàng chục con dê vì không kịp di tản do lũ về quá nhanh.
Còn đây là cánh đồng trồng cây hoa màu ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội), đã chìm sâu trong nước, theo người dân địa phương, thì từ đêm hôm đến sáng ngày 10/9, mức nước sông dâng cao hàng mét, khiến cho các thửa ruộng canh tác hoa màu chìm sâu trong nước lũ.
Bà Khúc Thị Hến, ở xã Văn Đức, cho biết: “Ruộng Hồm Xiêm nhà tôi có 65 gốc, mỗi năm cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng, nhưng năm nay bị ngập nước như thế này, tôi lo lắng bị mất trắng, chẳng những không thu hoạch được mà còn có nguy cơ chết cây, nếu như nước sông không rút nhanh”.
Cả cánh đồng trồng quất ở xã Văn Đức chuẩn bị phục vụ cho Tết Nguyên đán năm nay, hiện cũng đứng trước nguy cơ bị ngập nước nếu như nước sông Hồng tiếp tục dâng cao. Người dân xã Văn Đức đang đứng ngồi không yên, bởi nguồn thu chính của gia đình họ trông cả vào những ruộng quất này, nếu như bị ngập nước thì coi như năm nay họ sẽ bị mất mùa, rơi vào cảnh trắng tay.
Ông Đặng Văn Kha, ở xã Văn Đức, cho biết: “Mực nước lên quá nhanh, từ sáng giờ lên khoảng 2,5m, khiến chúng tôi không trở tay kịp”.
Đây là hình ảnh người dân làng nghề trồng hoa cây cảnh ở xã Phụng Công (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), từ sáng sớm ngày 10/9, người dân đã tấp nập đi chuyển cây chạy nước lũ. Cho đến nay, nước sông Hồng đã vào tới ruộng, gây ngập úng cục bộ trong cánh đồng trồng hoa cây cảnh của xã Phụng Công.
Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ gây thiệt hại cho cánh đồng hoa cây cảnh của xã Phụng Công, lãnh đạo huyện Văn Giang đã chỉ đạo cán bộ các ban ngành, đoàn thể tham gia hỗ trợ người dân cứu cây chạy lũ.
Bà Hoàng Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn trường TH&THCS Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên), cho biết: “Sau khi tan học, chúng tôi huy động tất cả các thầy cô trong nhà trường ra giúp bà con vớt cây đang ngập để đưa lên chỗ cao, nhằm cứu vớt tình hình. Chúng tôi chia nhau thành 4 tổ, mỗi 1 tổ sẽ hỗ trợ bà con ở một khu vực”.
Anh Lê Hồng Minh, Bí thư Đoàn xã Phụng Công, cho hay: “Hiện tại nước ở trên sông Hồng đang dâng cao và đang ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bãi bồi, trong đó huyện Văn Giang có nhiều xã ở khu vực này bị ảnh hưởng. Vì vậy, các cấp đã huy động tất cả các ban, ngành, đoàn thể, để hỗ trợ bà con nhân dân ở khu vực ngoài này di chuyển cây ở khu vực ngập nước lên chỗ cao để không bị thối rễ”.
Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.
Lệnh báo động lũ này được đưa ra căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Long Biên hồi 11 giờ 10 phút ngày 10/9 là 9,5m (mực nước báo động I là 9,5m).