Ngày 31/10/2019 phóng viên Truyền hình báo Người Đưa Tin đến địa phương tác nghiệp về việc UBND phường Phú Lương thực hiện cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm của hộ gia đình bà Trần Thu Hà, tại xứ đồng Cửa Phủ, tổ dân phố số 12.
Cần nói rõ rằng, vài tháng trước, ông Nguyễn Xuân Quý - khi đó là PCT UBND phường Phú Lương - kéo lực lượng đến cưỡng chế một công trình và "tiện tay" phá một phần nhà bà Trần Thu Hà, nên bà Hà đã gửi đơn tố cáo. Ông Quý cũng chỉ đạo phá hủy công trình của một cụ già neo đơn mà không có quyết định cưỡng chế nào cả. Vị lãnh đạo này là nhân vật chính trong loạt bài "Một PCT phường thiếu hiểu biết pháp luật" mà Truyền hình Người đưa tin đã đăng tải.
Ông Quý sau đó đã bị miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương. Nhưng bằng một "quy trình nào đó", thay vì bị đuổi việc, lại được giữ vị trí kế toán của một phường khác cũng thuộc quận Hà Đông.
Bà Hà từ đó trở thành "cái gai" trong mắt nhiều người, bởi đã liên tục có đơn tố cáo những sai phạm của ông Quý. Vậy nên, nhiều tháng trời gửi đơn xin xây dựng nhà tạm trên thửa đất nhà mình, mà xung quanh đã có nhà cửa kiên cố, bà Hà không được hồi đáp.
Do nhu cầu bức thiết về chỗ ở, bà Hà đánh liều lợp mái nhà tạm và ngay lập tức lãnh đạo phường Phú Lương có động thái xử lý, ban hành Quyết định cưỡng chế số 3880. Sự khẩn trương này không xảy ra với hàng trăm công trình sai phạm khác trên địa bàn.
Nhiều công trình sai phạm khác ngang nhiên thách thức pháp luật nhưng lại không được cưỡng chế. |
Điều đáng nói, ngày 10/10/2019, UBND quận Hà Đông có Thông báo số 617 về việc tiếp nhận Đơn khiếu nại quyết định cưỡng chế số 3880 đối với hộ gia đình bà Trần Thị Hà. Nhưng UBND phường Phú Lương vẫn tiến hành cưỡng chế một cách quyết liệt.
Việc cưỡng chế công trình vi phạm của UBND phường Phú Lương có thể không sai và đúng quy trình, nhưng lại khiến dư luận băn khoăn bởi sự thiếu công bằng với những công trình có cùng sai phạm như nhau.
Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường buổi cưỡng chế, lãnh đạo UBND phường cưỡng chế công trình nhà bà Hà, nhưng lại bỏ qua một loạt công trình sai phạm trên cùng một thửa đất.
Trên hình ảnh cho thấy, công trình hai bên ngôi nhà này bị cưỡng chế, nhưng ngôi nhà ở giữa vẫn "an tọa", dù là cùng chung một sai phạm trên một mảnh đất.
Công trình hai bên ngôi nhà này bị cưỡng chế, nhưng ngôi nhà ở giữa vẫn "an tọa". |
Cùng dãy đất nhà bà Hà, là hàng loạt công trình sai phép cũng không bị cơ quan chức năng phường Phú Lương xử lý.
Càng khó hiểu hơn nữa khi ông Dương Ngọc Thỏa, Phó Chủ tịch UBND phường giải thích về việc nhà thì cưỡng chế, nhà thì bỏ qua như sau: "Những công trình xây dựng sai phạm từ năm 2006 thì UBND phường sẽ để lại không cưỡng chế, nhà nào sập xệ quá thì phường sẽ tạo điều kiện cho sửa chữa".
Việc thi hành công vụ của lãnh đạo UBND phường Phú Lương kiểu "nhất bên trọng, nhất bên khinh" và "chọn lọc" để cưỡng chế vào người có đơn tố cáo ông Quý, liệu có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có mục đích riêng, là điều dư luận hoài nghi.
Điều lạ hơn nữa là cách hành xử của ông Nguyễn Năm Quang, Chủ tịch UBND phường Phú Lương. Khi phóng viên đề nghị được cung cấp tài liệu hồ sơ các công trình cưỡng chế, thì ông Quang viện lý do trong tài liệu có nhiều bí mật, nên UBND phường không thể cung cấp cho PV, mà chỉ cung cấp quyết định cưỡng chế của UBND quận Hà Đông cho báo chí.
Sau đó ông Quang còn chạy theo nhắc phóng viên: "Tôi chưa đồng ý cho các anh ghi hình thì các anh không được ghi hình tôi".
Một ông Chủ tịch UBND phường đang thực thi công vụ trong giờ hành chính, thì có lí do gì để từ chối cung cấp tài liệu cho báo chí? Tại sao phải cấm phóng viên ghi hình khi đang thực hiện công vụ và không thuộc công vụ bí mật nhà nước? Thêm nữa, chúng tôi làm việc, ghi hình đại diện UBND phường, chứ với góc độ cá nhân ông chủ tịch Quang thì chúng tôi không có nhu cầu làm việc hoặc ghi hình.
Người dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bà Hà xây dựng sai thì cần xử lý bà Hà theo quy định, nhưng phải hợp lý hợp tình, trên cơ sở xem xét tại sao công dân có đơn xin phép mà lãnh đạo địa phương không hướng dẫn, xử lý, để người dân "túng quá làm liều". Nên trong vụ này, ngoài xử lý công dân vi phạm, còn phải xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm!
Ngoài ra, người thực thi pháp luật cần phải đặt sự công tâm lên hàng đầu, thì người dân mới tâm phục, khẩu phục. Việc cưỡng chế phải công bằng, không chừa ai. Nếu làm theo kiểu nhà thì bỏ qua, nhà thì làm tới cùng như ở phường Phú Lương hôm nay, sẽ khiến người dân mất niềm tin vào những cán bộ thực thi công vụ.
Những tưởng "ông PCT thiếu hiểu biết pháp luật Nguyễn Xuân Quý" bị miễn nhiệm chức vụ, thì ở Phú Lương không còn kiểu hành xử tùy tiện, thiếu công tâm, công bằng, nhưng thực tế không như người ta nghĩ.
Đã đến lúc ông Bí thư Quận ủy Hà Đông và Chủ tịch UBND quận Hà Đông cần xem xét lại công tác tổ chức cán bộ ở phường Phú Lương. Cán bộ tốt, có trình độ thì nên bồi dưỡng, sử dụng. Ngược lại thì cần sớm loại bỏ, tránh gây hậu quả xấu cho xã hội. Câu chuyện "diệt sâu cứu cây" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn sáng ngời giá trị.
Truyền hình Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc ở các bản tin sau.