Theo tìm hiểu của PV, thương hiệu cầm đồ F88 do Công ty Cổ phần kinh doanh F88 sở hữu. Hiện nay, chuỗi cầm đồ F88 đang phát triển rất nhanh chóng với nhiều cơ sở trên cả nước. Cùng với đó, chuỗi cầm đồ này luôn quảng cáo về dịch vụ của mình với nhiều ưu điểm như: “F88 đi tiên phong tại thị trường Việt Nam, cung cấp dịch vụ cầm đồ "Tin cậy – Nhanh chóng - Thân thiện”.
|
Lời quảng cáo hấp dẫn của chuỗi cầm đồ F88 |
“Ép” mua bảo hiểm mới giải ngân
Tuy nhiên, trái với những gì mà F88 phô trương, theo phản ánh của một số khách hàng gửi đến truyền hình Người Đưa Tin, hiện nay dịch vụ cầm đồ F88 có hành vi “ép” người cầm cố tài sản phải mua bảo hiểm rồi mới được thế chấp tài sản.
Nhiều khách hàng cho rằng, việc họ đem tài sản mang thế chấp cho công ty cổ phần dịch vụ F88 với giá trị thấp hơn để đảm bảo khoản vay, đương nhiên bên F88 được lợi rất nhiều. Ngoài số tiền lãi phải trả cho khoản vay, nếu khách hàng không có khả năng thanh khoản cho F88 thì F88 sẽ toàn quyền sử dụng số tài sản do khách hàng cầm cố để thanh lý thu hồi số nợ.
Nhân viên F88 tư vấn bảo hiểm cho khách |
Chính vì điều này, khách hàng cho rằng, bên F88 không có lý gì phải “ép” khách hàng mua bảo hiểm cho khoản vay đó. Với 88.000 đồng một trường hợp thì có thật là F88 lo cho sự an toàn của khách hàng? Nhiều người đặt nghi vấn ở đây có sự bắt tay nhau giữa F88 và công ty cung cấp gói bảo hiểm nhằm “moi tiền” của khách hàng.
F88 ký kết với công ty bảo hiểm |
Với hàng chục cơ sở trên cả nước, cùng với lượng lớn khách hàng, số tiền mà F88 “ép” khách hàng mua bảo hiểm là một con số không hề nhỏ. Điều này cho thấy, những gì khách hàng phản ánh về sự “móc ngoặc” của F88 và công ty cung cấp bảo hiểm là điều dễ hiểu.
Khách hàng phải rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế, nên mới tìm đến F88 với sự "tin cậy", nhưng núp dưới bóng sự "thân thiện", F88 "nhanh chóng" "véo" thêm một gói bảo hiểm. Khách đã "nghèo", lại vướng cái "eo"!
Về khía cạnh pháp lý, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng bán bảo hiểm cho khách hàng một cách ép buộc là hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh vì thông qua bán bảo hiểm bằng hình thức này nhằm trực tiếp cạnh tranh với các công ty bảo hiểm khác trên thị trường.
Đề nghị CATP Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội xác minh, làm rõ F88 có ép khách hàng mua bảo hiểm hay không, có vi phạm luật cạnh tranh hay không để xử lý nghiêm theo quy định (nếu có vi phạm), đồng thời cũng tránh để F88 bị "oan" như phản ánh của một số khách hàng.
(Còn nữa)