14h chiều ngày 06/04, tại sân đình Đăm phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã diễn ra khai mạc lễ hội bơi Đăm năm 2025 - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Lễ hội mà hàng vạn người dân làng hoa Tây Tựu mong chờ sau 7 năm dài đằng đẵng. Có thể thấy mọi ngóc ngách của phường Tây Tựu đều được trang trí cực kỳ đẹp mắt để đón chào lễ hội. Theo thông tin mà Người đưa tin TV tìm hiểu thì người dân nơi đây đã rục rịch tổ chức các sự kiện nhằm cổ vũ khích lệ tinh thần trai bơi trước gần cả tháng trời.

Một người dân Tây Tựu cho biết, nếu các bạn có mặt tại phường Tây Tựu những ngày này thật thì sẽ không muốn về dù cho ban ngày hay ban đêm.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đến năm 1994, làng Đăm không tổ chức hội, nhưng có một số lần khôi phục hội bơi vào những dịp quan trọng của Thủ đô và đất nước. Từ năm 1994 đến nay, Lễ hội bơi Đăm được khôi phục lại và tổ chức ngày càng trang trọng, quy mô hơn.
Không chỉ nổi tiếng với lễ hội bơi chải truyền thống, Tây Tựu còn nổi tiếng với nghề trồng hoa. Đây là nơi cung cấp nhiều loại hoa đẹp, chất lượng cho thị trường Thủ đô, trong nước và xuất khẩu sang các nước.
Năm 2017, làng hoa Tây Tựu đã vinh dự đón nhận danh hiệu “làng nghề truyền thống Hà Nội”. Chính vì vậy, người dân nơi đây luôn tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần đoàn kết, đã và đang cùng nhau gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của quê hương.
Lễ hội bơi Đăm năm 2025 được diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 6/4 - 8/4 (tức từ mùng 9/3 - 11/3 âm lịch), với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn. Phần lễ có nghi thức rước Thánh, bơi, tế lễ tại đình, miếu Tây Tựu, đình Trung Tựu.


Phần hội có các trò chơi dân gian đặc sắc như: Thi đấu vật, hội thi cờ người, bịt mắt bắt dê; cắm hoa nghệ thuật, trưng bày sản phẩm làng nghề tại 2 xưởng thuyền, liên hoan nghệ thuật quần chúng.
Đặc biệt, tâm điểm của lễ hội chính là cuộc thi bơi chải trên sông Pheo (một nhánh của sông Nhuệ), tái hiện lại cảnh rèn luyện thủy quân của danh tướng Bạch Hạc Tam Giang - Đào Trường.
Các đội đua thuyền dàn trận trên sông, tranh tài trên mặt nước với những kỹ năng điêu luyện như cách búng thuyền, dóc thuyền, lạng thuyền, vuốt góc… không chỉ mang lại không khí sôi động mà còn thể hiện sự gắn bó với sông nước, với truyền thống cha ông từ bao đời nay.
Để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn nói chung, Lễ hội bơi Đăm truyền thống nói riêng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền phường Tây Tựu, các phòng, ban chuyên môn của quận quan tâm xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc sắc, tour tham quan gắn liền với di sản văn hóa trên địa bàn; chú trọng bảo tồn di tích lịch sử và kiến trúc văn hóa, phục dựng các lễ hội truyền thống. Chú trọng xây dựng các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá; liên kết, hợp tác và xây dựng chuỗi giá trị di sản… để phát triển ngành công nghiệp văn hóa của địa phương.

Để Lễ hội bơi Đăm diễn ra an toàn, tiết kiệm và phù hợp với truyền thống dân tộc, Chính quyền phường Tây Tựu đã bố trí, sắp xếp các hàng quán, dịch vụ, bãi trông giữ xe gọn gàng, khoa học, không gây ùn tắc, mất an ninh trật tự...
Lực lượng an ninh, dân phòng cũng làm việc hết công suất để để đảm bảo ANTT, các chốt chặn tại các khu vực trọng điểm của lễ hội luôn có cán bộ túc trực làm các nhiệm vụ phân làn đảm bảo một lễ hội an toàn, văn minh.

Đặc biệt, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, chặt chém giá cả hàng hóa dịch vụ..., bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ và an toàn của người dân.