Không khó để có thể tìm trên mạng internet những bài viết, những típ hướng dẫn du khách cách đi lễ viếng mộ chị Võ Thị Sáu, với những câu chuyện thêu dệt, những lời đồn đoán không được kiểm chứng rằng cô Sáu mất khi còn quá trẻ nên rất thiêng, vì thế viếng mộ cô Sáu để cầu tiền tài, kinh doanh buôn bán luôn được thuận lợi. Không chỉ vậy, nhiều bài viết còn mô tả chi tiết về những vật phẩm cần phải chuẩn bị cho mâm lễ, cùng những bài văn khấn được soạn sẵn để du khách xin lộc cô Sáu. "Trend" xin vía cô sáu cũng trở thành từ khóa hot trên nền tảng một mạng xã hội.
Võ Thị Sáu là một anh hùng dân tộc được lịch sử Việt Nam ghi nhận. Mộ của cô Sáu nằm sâu trong Nghĩa trang Hàng Dương, giữa những ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ khác đã hy sinh cho nền độc lập tự do của dân tộc. Đến nghĩa trang Hàng Dương, đến mộ cô Sáu để bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ là điều dễ hiểu, nhưng đề cao đến mức mê tín dị đoan đã trở thành điều không thể chấp nhận được. Bất chấp quy định của ban quản lý khu nghĩa trang là không đặt đồ lễ lên ngôi mộ và không xâm phạm đến nơi chị Sáu an nghỉ, thế nhưng thực tế mộ cô Sáu luôn bị lấp đầy bởi những mâm đồ lễ, thậm chí những người quản trang phải liên tục di chuyển mâm lễ ra ngoài vị trí mộ thì ngay lập tức những mâm lễ của du khách khác lại được đặt lên.
Không những vậy, người đi lễ còn có những ứng xử phản cảm khi để được lại gần mộ cô Sáu, nhiều người còn sẵn sàng chen lấn, đặt nhờ mâm lễ lên các ngôi mộ xung quanh trong khi chờ đến lượt. Một cảnh tượng xót xa khi phần lớn người đến hành lễ đều chỉ chực chờ đến khu mộ của cô Sáu còn lại các khu khác của Nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo thì vắng tanh, ít có hương khói, gần như không được du khách quan tâm.
Trong nỗ lực hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, thiết nghĩ đã đến lúc chính quyền địa phương cần có các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và du khách khi đến hành lễ, đặc biệt là thăm viếng mộ Võ Thị Sáu, để hành động này là trở thành nét đẹp của truyền thống uống nước nhớ nguồn của mỗi người dân Việt Nam, đồng thời bài trừ, chấn chỉnh các hành vi mê tín dị đoan, lạm dụng yếu tố tâm linh để làm dịch vụ.