Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan: Nỗ lực vượt lên những thử thách, khó khăn

21/09/2021 10:42

Theo dõi trên

Nhằm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, khắc phục mọi khó khăn để chăm sóc tốt các thương binh, người có công, nhiều năm qua trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đã không ngừng đổi mới công tác quản lý, điều trị để vừa chăm sóc tốt sức khỏe thương, bệnh binh, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. 

Tiền thân là Trại Điều dưỡng thương binh C, được thành lập từ tháng 6 năm 1965, trong thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan là cơ sở đầu tiên của cả nước được giao tiếp nhận toàn bộ số thương bệnh binh bị mắc bệnh tâm thần sau khi đã được điều trị và xác định bệnh từ các tuyến quân y viện của quân đội. Ngày đầu mới thành lập, tổng số thương, bệnh binh nặng là 47 người, thời kỳ cao điểm nhất tổng số lên tới hơn 500 người. Hiện trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị cho 139 người, trong đó 71 thương, bệnh binh nặng của các tỉnh thành phố trên cả nước. 

Trung tâm được chia làm 2 khu: Khu A điều trị, nuôi dưỡng thương, bệnh binh và đối tượng bảo trợ xã hội bị mắc bệnh tâm thần nặng; khu B điều trị, nuôi dưỡng đối tượng là người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Do đa phần các thương, bệnh binh ở đây đều mắc bệnh tâm thần mãn tính, sa sút hoạt động tâm thần do vết thương sọ não, nên các bác sĩ, điều dưỡng phải theo sát các bác từ hoạt động ăn, tắm, ngủ, nghỉ đến uống thuốc, thậm chí đều phải liên tục nhắc lại rất nhiều lần. Hàng ngày, đến giờ ăn uống, những điều dưỡng viên lại đến từng phòng gọi và đưa những thương bệnh binh khó khăn trong việc đi lại về phòng ăn, rồi ở bên cạnh theo dõi. 

sequence-0100-02-08-09still002-1632137298.jpg
Điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe cho một thương binh nặng

Là 1 thương binh nặng với tỷ lệ thương tật 81% và đã điều trị tại trung tâm hơn 10 năm nay, bác Nguyễn Văn Đãi chia sẻ: “Lúc ban đầu tôi về đây, trung tâm rất khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên cơ sở vật chất và các điều kiện, đời sống của chúng tôi ở đây được nâng lên rất nhiều. Đặc biệt, là đội ngũ y, bác sĩ quan tâm rất chu đáo chăm sóc nhiệt tình, không quản ngày đêm nên tình trạng của tôi cũng như các các thương, bệnh binh ở đây tương đối ổn định”. 

Bác Đặng Quốc Hiển (Hà Tĩnh), thương binh 1/4 tâm sự: “Năm 1970, tôi nhập ngũ vào Quảng Trị chiến đấu 81 ngày đêm, sau đó tôi vào Huế tiếp tục chiến đấu và bị thương năng tại đây, chiến trường năm đó rất khủng khiếp và ác liệt. Tôi về trung tâm điều trị từ năm 1974 đến nay đã được 47 năm gắn bó với nơi này, tôi coi đây là ngôi nhà và là quê hương thứ của 2 mình”.

Không dấu nổi xúc động, bác Hiển chia sẻ thêm: “Chúng tôi là những thương, bệnh binh sức khỏe có hạn, lại mang trên mình những vết thương chiến tranh, nên khi đau ốm, trở trời rất hay cáu gắt. Nhưng được các bác sĩ, điều dưỡng tại đây tận tình chăm sóc, thăm hỏi, chia sẻ với những đau đớn do bệnh tật, tuổi tác, nên chúng tôi cũng bớt tủi thân, đỡ cô đơn hơn rất nhiều. Chúng tôi cũng bảo nhau cùng cố gắng hàng ngày, vì bản thân mình và cũng vì những người đã hết lòng quan tâm, chăm sóc cho mình ở đây. Chúng tôi rất mong các cơ quan, ban, ngành tạo điều kiện, hỗ trợ cho anh em chúng tôi như trang thiết bị, y tế hoặc có những trang thiết bị cần thiết để phục vụ tại chỗ để chúng tôi không phải đi lên tuyến trên đỡ vất vả, đặc biệt trong tình hình Covid-19 như hiện nay”. 

sequence-0100-01-33-08still001-1632137298.jpg
Việc chăm sóc sức khỏe cho những thương binh nặng cộng thêm các bệnh nền luôn là điều khó khăn

Chăm sóc những người bình thường đã khó, chăm sóc những người có vấn đề về thần kinh còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Thế nhưng, với tình thương và tấm lòng của mình, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên nơi đây luôn làm tròn trách nhiệm, chăm sóc các thương, bệnh binh như người thân của mình. Bác sĩ Phạm Thị Hoa, khoa Bệnh nhân phục hồi, là người đã gắn bó hơn 20 năm với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan cho biết, tại khoa chị đang công tác, với 46 bệnh nhân, đa số là những bệnh nhân tâm thần, mất sức khỏe 81% trở lên và cộng thêm các bệnh nền. Việc điều trị phục hồi những ngày bình thường đã khó, thời điểm dịch bệnh như hiện nay còn khó hơn rất nhiều. Các nhân viên y tế phải theo sát, nhắc nhở, khi nhẹ nhàng, lúc lại phải dùng biện pháp mạnh yêu cầu như mệnh lệnh... để các bác thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, rửa tay, đi ăn đúng giờ, ăn uống, tập luyện thể thao, phục hồi sức khỏe theo các ca phù hợp …để nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật. 

"Vất vả, khó khăn, áp lực, nhiều nỗi lo là vậy, nhưng chúng tôi luôn xác định, đã gắn bó với nơi đây, công việc này, chúng tôi luôn điều trị và chăm sóc bằng cái tâm, tình yêu thương, sự kính trọng, coi trung tâm như một gia đình lớn của mình. Bởi các thương, bệnh binh đã hy sinh, dâng hiến một phần cuộc đời mình cho Tổ quốc, sự độc lập, tự do ngày hôm nay”, chị Hoa cho biết thêm. 

Phó trưởng khoa bệnh nhân kích động, Nguyễn Hương Giang, là một trong những điều dưỡng viên điển hình của trung tâm tâm sự với chúng tôi: “Mẹ tôi đã từng công tác tại đây nên từ nhỏ tôi đã có cơ hội được tiếp cận và gặp các thương, bệnh binh nơi đây. Tôi cảm thấy rất xúc động khi được tiếp xúc với các bác, những người đã cống hiến tuổi trẻ, thanh xuân của mình cho đất nước. Vì lẽ đó, ngay từ khi còn bé, tôi đã ước mơ và đi học theo ngành y để về đây việc và cống hiến hết mình cho trung tâm, được chăm sóc và phụng dưỡng các bác thương, bệnh binh, mong sao những công việc hàng ngày, cũng như tình cảm của tôi và các cán bộ, y bác, sĩ điều dưỡng viên của trung tâm sẽ làm vơi bớt đi những nỗi đau của các thương bệnh binh”.

sequence-0100-02-31-05still003-1632137298.jpg
Các bác thương binh trong thời gian tập luyện tại trung tâm phục hồi chức năng

Vượt lên những thử thách, khó khăn đó, các cán bộ, nhân viên Trung tâm Nho Quan vẫn sống và làm việc với cái tâm của mình, hết lòng chăm sóc, phục vụ thương, bệnh binh. Thời gian qua, trung tâm rất chú trọng đến việc quản lý và bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho các thương bệnh binh được đầy đủ nhất có thể với nơi ăn ở, khuôn viên rộng rãi, sạch sẽ và trồng thêm nhiều cây xanh để tạo không gian mát mẻ, thoáng đãng cho các bệnh nhân. Khẩu phần ăn của các bác đều được đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và theo tình hình sức khỏe của từng người.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan cho biết, hiện trong công tác điều trị, trung tâm đã có những điểm sáng khi áp dụng một số thuốc điều trị theo phác đồ mới được sản xuất tại Việt Nam, giúp thể trạng phục hồi chức năng cho các thương binh, bệnh binh bị bệnh tâm thần mãn tính do di chứng của chiến tranh đã được nâng cao, số lần bệnh nhân rối loạn kích động giảm dần. Ngoài ra, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, chính quyền, điều kiện, cơ sở vật chất trung tâm đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, nhiều trang thiết bị phục vụ cho trung tâm đã bị xuống cấp; đặt biệt thời gian này dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều bác tuổi cao và mắc nhiều bệnh nền khiến cho công tác điều trị, phục vụ tại trung tâm gặp nhiều khó khăn nhất là công tác điều trị vượt quá khả năng kiểm soát của trung tâm nên phải chuyển tuyến trên để điều trị. Bên cạnh đó, chế độ cho các đối tượng chất độc hóa học loại 2 còn thấp với hơn 900.000 đồng/tháng chưa đảm bảo dinh dưỡng và khó khăn trong công tác phục vụ...

sequence-0100-03-49-04still004-1632137298.jpg
Bỏ lại những đau đớn mà bệnh tật, chấn thương do chiến tranh gây ra ở sau lưng, các thương bệnh binh vẫn vui vẻ, ca hát, yêu đời,...

“Hơn 56 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành với chức năng nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đơn vị luôn xác định nhiệm vụ được giao là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp, song đây cũng là niềm vinh dự, tự hào khi được thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện công tác “ Đền ơn đáp nghĩa”, nuôi dưỡng, chăm sóc thương bệnh binh thực hiện những chủ trương lớn về chế độ chính sách đối với người có công. Thời gian tới, đơn vị mong các cấp lãnh đạo và các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tăng cường thêm cơ sở vật chất cho trung tâm, đặc biệt là các thiết bị phục vụ cho phục hồi chức năng; quan tâm hơn nữa đến các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng chất độc da cam …để đảm bảo hơn nữa công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho các đối tượng”. - Chị Thủy chia sẻ.

Thạch Thảo - An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết "Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan: Nỗ lực vượt lên những thử thách, khó khăn" tại chuyên mục Đời sống. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036