Tuyên Quang: Khai thác khoáng sản kiểu huỷ diệt môi trường

05/12/2020 09:56

Theo dõi trên

Sau khi được cấp phép khai thác cát sỏi trên dòng sông Phó Đáy, một doanh nghiệp tại tỉnh Tuyên Quang đã tự ý “chặt đôi” dòng sông gây cản trở dòng chảy nghiêm trọng. Thế nhưng các cơ quan quản lý tỉnh này vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, đồng thời né tránh việc cung cấp thông tin cho phóng viên.

 

Như đã thông tin ở bài trước, ngày 30/8/2018 UBND tỉnh Tuyên Quang cấp Giấy phép số 38 cho Công ty TNHH một thành viên Lê Phát An (gọi tắt là Cty Lê Phát An) có địa chỉ tại 386, đường Quang Trung, tổ 22, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang khai thác cát sỏi trên sông Phó Đáy, đoạn chảy qua xã Tuân Lộ, xã Hợp Hoà và xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương.

Giấy phép quy định rõ: Cty Lê Phát An được khai thác cát, sỏi với tổng diện tích 45,78 ha. Tổng trữ lượng khai thác là 664.450m3, trong thời gian khai thác 23 năm. Công suất khai thác 30.000m3/năm, trong đó cát là 11.700m3/năm, sỏi là 18.300m3/năm.

Cty Lê Phát An phải nộp phí cấp phép khai thác khoáng sản, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định và các khoản phí liên quan. Trước khi tiến hành khai thác phải nộp thiết kế mỏ, thẩm định phê duyệt theo đúng quy định pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo cáo sở TNMT và chính quyền địa phương để kiểm tra thực địa.

Cty Lê Phát An phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo môi trường, khai thác phải đảm bảo an toàn sông và đường giao thông.

Tại điều 4 của giấy phép, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng giao cho Giám đốc sở TNMT, Sở Công Thương, Sở Xây Dựng, sở Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục thuế tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương và thủ trưởng các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để hướng dẫn, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của Cty Lê Phát An.

Giấy phép khai thác khoáng sản của Cty Lê Phát An được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp năm 2018

Quy định là rất rõ, việc khai thác khoáng sản của Cty Lê Phát An cũng được quản lý bởi rất nhiều sở ngành khác nhau thế nhưng không hiểu sao ngay từ khi được cấp phép Cty này đã xảy ra nhiều vi phạm. 

Thứ nhất, nhằm thuận tiện cho các phương tiện vận chuyển và khai thác, Cty Lê Phát An đã múc nhiều cát sỏi đắp đường ngăn dòng sông phía thượng lưu và kéo dài cả km dọc một bên bờ khiến lòng sông bị thu hẹp. Đặc biệt phía hạ lưu, Cty Lê Phát An đã tự ý đổ nhiều cát sỏi chặn dòng sông để làm đường khiến dòng nước sông Phó Đáy trở nên bị ùn ứ, hung dữ trong mùa mưa lũ.

Cty Lê Phát An đổ cát sỏi “chặn đôi” dòng sông để làm đường khiến dòng nước sông Phó Đáy trở nên bị ùn ứ, hung dữ trong mùa mưa lũ

Thứ hai, trao đổi với PV, đại diện Cty Lê Phát An thừa nhận việc Cty nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất canh tác của một số hộ dân không thuộc khu vực được cấp phép để tiến hành khai thác cát sỏi.

Thứ ba, Cty cũng thừa nhận riêng sản lượng cát trung bình mỗi ngày khai thác được là từ 250 - 300m3. Như vậy một tháng đơn vị sẽ khai thác khoảng từ 7.000m3 đến 10.000m3 cát, trong khi giấy phép này chỉ cho phép Cty được khai thác 30.000m3/năm bao gồm cả cát và sỏi. Như vậy, chỉ cần 3 đến 4 tháng Cty này đã khai thác đủ sản lượng cho cả năm và sẽ khai thác vượt giấy phép. Khi đó ai sẽ là người đứng ra quản lý và thu thuế với số lượng cát sỏi trên?

Tại Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường ngày 13/5/2019 xác định: “Dự án khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác trên sông… thuộc đối tượng phải đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước”, phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

Việc Cty Lê Phát An đổ nhiều cát sỏi chặn dòng sông, ngăn cản dòng chảy không chỉ là việc làm coi thường pháp luật mà sẽ kéo theo nhiều tác động lớn đến môi trường thì nhất thiết phải được thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

Lê Phát An thừa nhận việc Cty nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất canh tác của một số hộ dân không thuộc khu vực được cấp phép để tiến hành khai thác cát sỏi

Phóng viên đã đến Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Tuyên Quang và UBND huyện Sơn Dương để tìm hiểu về trách nhiệm quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước của  hai đơn vị này.

Ngày 13/10 trao đổi với PV, ông Nguyễn Trường Lâm - Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Tuyên Quang cho biết phía thanh tra sở đã nắm được vụ việc và đã yêu cầu UBND huyện Sơn Dương kiểm tra xử lý vụ việc.

Thế nhưng sau hơn một tháng chờ đợi với 3 lần liên hệ, PV vẫn chưa có buổi làm việc với UBND huyện Sơn Dương, cơ quan này chọn cách né tránh để không cung cấp thông tin.

Mặc dù đã nhiều lần liên hệ làm việc, nhưng PV vẫn chưa nhận được hồi âm từ UBND huyện Sơn Dương

Còn nữa...

Lê Thảo
Bạn đang đọc bài viết "Tuyên Quang: Khai thác khoáng sản kiểu huỷ diệt môi trường" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036