Văn Lâm, Hưng Yên: Hàng chục hecta đất nông nghiệp bị huỷ hoại

08/04/2021 10:42

Theo dõi trên

Trên địa bàn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, hàng chục doanh nghiệp tự ý san lấp đất nông nghiệp một cách ồ ạt bằng phế thải xây dựng. Sau đó xây nhà xưởng khi chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, khiến môi trường, đất đai bị hủy hoại, dư luận bức xúc nhưng không bị xử lý.

 

Tỉnh Hưng Yên có vị trí thuận lợi về giao thông, nguồn lao động dồi dào, chính sách thu hút đầu tư khá cởi mở nên đang là địa chỉ tin cậy của nhiều nhà đầu tư trong cả nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, tại huyện Văn Lâm, công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường đang có dấu hiệu bị buông lỏng khiến dư luận rất bức xúc.

Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, PV nhận thấy tại các xã Đại Đồng, xã Chỉ Đạo và xã Minh Hải của huyện Văn Lâm có khoảng hơn 10 khu đất nông nghiệp với tổng diện tích rộng hàng trăm nghìn m2 đang được các công ty, doanh nghiệp như: Cty Đức Mạnh, Cty Trường Sơn Hưng Yên, Cty Long Vũ Phương Nam, Cty Minh Hoàng Hưng Yên, Cty QĐ Hưng Yên,  Đại Nam, Cty Tuấn Kiệt, Cty Bảo Dương… tự ý san lấp mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng một cách rầm rộ khi chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Đáng nói, để san lấp, nâng cốt nền cho khu đất, các doanh nghiệp đã móc nối với một số đơn vị để vận chuyển hàng triệu m3 đất thải xây dựng như: Bùn, đất, gạch… từ một số dự án trong nội thành TP Hà Nội chuyển về khiến môi trường bị ô nhiễm. Vấn đề này đã được truyền hình Người đưa tin Pháp luật phản ánh trong phóng sự “Trắng đêm theo chân đất tặc”.

Theo quy định pháp luật, mỗi loại vật liệu khi san lấp mặt bằng đều có tiêu chuẩn quy định cụ thể, ở khu vực Miền Bắc thường sử dụng cát và đất để san lấp, chất lượng cát được đánh giá theo tiêu chuẩn kỹ thuật có mã số TCVN 7570:2006, tiêu chuẩn đất được quy định theo tiêu chuẩn kỹ thuật có mã số TCVN 4447-1987

Theo tìm hiểu của PV, hiện tại chưa có quy định nào cho phép san lấp mặt bằng trong xây dựng bằng đất thải xây dựng như ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên.

z2409411520377-bde5f3ded8508401d57400f6e72c5d11-1617193748.jpg
Toàn bộ khu đất được san lấp bằng chất thải xây dựng có nguy cơ gây ô nhiễm, hủy hoại đất

Việc san lấp mặt bằng bằng đất thải và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng khi chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép không chỉ là hành vi vi phạm về quản lý đất đai, về trật tự xây dựng mà còn có dấu hiệu hủy hoại môi trường. 

Theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015 quy định, người nào có hành vi chôn lấp rác thải rắn thông thường trái quy định pháp luật từ 200.000 kilogam đến dưới 500.000 kilogam thì bị phạt tiền từ 100 triệu - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nếu là pháp nhân thương mại phạm tội như trên thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng.

z2409416708856-f93e6f3df2f1bbd49b989d8aa2e66611-1617193807.jpg
Hành vi chôn lấp rác thải rắn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm
 

Về xử lý vi phạm hành chính thì: Cá nhân, tổ chức có hành vi chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý thì bị phạt tiền tối đa đến 250 triệu đồng theo khoản 9, điều 20, Nghị định 155/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

z2409415437614-97d45d2455f66b3998c0888a8e145e76-1617193767.jpg
Hàng trăm nghìn m2 đất nông nghiệp đang bị san lấp trái phép để xây dựng nhà xưởng
 

Để tìm hiểu về công tác quản lý đất đai, môi trường trên địa bàn, tháng 7/2020, PV đã đến UBND huyện Văn Lâm, UBND xã Đại Đồng và UBND xã Chỉ Đạo để liên hệ đặt lịch làm việc. Thế nhưng 5 tháng sau, tức ngày 30/12/2020, UBND huyện Văn Lâm mới có văn bản số 1314 yêu cầu phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Đại Đồng và UBND xã Chỉ Đạo chuẩn bị nội dung, thông tin để làm việc trả lời truyền hình Người đưa tin Pháp luật

Ngày 8/1/2021 trao đổi với PV, cả ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng và ông Trịnh Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo thừa nhận việc có khoảng 10 doanh nghiệp trên đã san lấp mặt bằng, triển khai xây dựng công trình khi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa điều chỉnh thời gian sử dụng đất, chưa được cấp phép xây dựng.

Cả hai vị chủ tịch UBND xã cũng cho biết, sau khi vi phạm xảy ra, xã đã báo cáo vụ việc lên UBND huyện Văn Lâm để có hướng giải quyết, xử lý vụ việc.

Sau gần một năm chờ đợi với rất nhiều lần liên hệ nhưng không nhận được hồi âm, nhận thấy UBND huyện Văn Lâm đang có dấu hiệu trong việc buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai, môi trường và tìm cách đùn đẩy, né tránh để không cung cấp thông tin, tài liệu cho PV, ngày 18/1/2021, PV đã đến UBND và HĐND tỉnh Hưng Yên để liên hệ, đề nghị làm việc với nội dung trên.

Ngày 22/1/2021, UBND tỉnh Hưng Yên đã có thông báo số 147 về việc giao cho UBND huyện Văn Lâm phối hợp, làm việc và cung cấp thông tin cho truyền hình Người đưa tin Pháp luật. Thế nhưng, bất chấp sự chỉ đạo của UBND tỉnh, và đã được UBND các xã báo cáo nhưng UBND huyện Văn Lâm vẫn im lặng một cách rất khó hiểu.

Truyền hình Người đưa tin Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Lê Thảo
Bạn đang đọc bài viết "Văn Lâm, Hưng Yên: Hàng chục hecta đất nông nghiệp bị huỷ hoại" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036