Vấn nạn cuộc gọi 'rác': Vẫn thiếu giải pháp giải quyết triệt để từ cơ quan quản lý

29/12/2023 18:46

Theo dõi trên

Dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện các biện pháp chuẩn hoá sim chính chủ nhằm đảm bảo an toàn và quyền lợi của khách hàng viễn thông, nhưng tình trạng các cuộc gọi rác làm phiền, quảng cáo dịch vụ, thậm chí là lừa đảo, đe doạ khách hàng vẫn diễn ra thường xuyên.

"Stress" vì cuộc gọi rác

Một cuộc gọi từ người giới thiệu là nhân viên Công ty cổ phần chứng khoán MBS:

- Người gọi: "Chào chị, em là nhân viên Công ty cổ phần chứng khoán MSB..."

- Chị H: "Sao bên em gọi cho chị nhiều thế, một ngày gọi đến 20 cuộc cho chị"

- Người gọi: "Thế chị bỏ số đi" *Tút tút*

anh-chup-man-hinh-2023-12-29-luc-174344-1703846718.png
Một trong số rất nhiều cuộc điện thoại mời chào từ người giới thiệu là nhân viên Công ty cổ phần chứng khoán MBS với khách hàng

Do đặc thù công việc thường xuyên phải trao đổi thông tin với các khách hàng và đối tác qua điện thoại, nên chị H. (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không dám bỏ lỡ cuộc gọi nào.

Tương tự vậy, chị T. (Cầu Giấy, Hà Nội) là một người có sở thích và thói quen mua hàng trực tuyến. Do đó, khi có số điện thoại lạ gọi đến, chị đều phải nghe vì nghĩ rằng đó là của người giao hàng. 

Tuy nhiên, chính vì vậy, cả chị H. và chị T. thường xuyên bị mất thời gian để nghe những cuộc điện thoại rác, chào mời quảng cáo các dịch vụ mà mình không có nhu cầu, như mua bán bất động sản, mời vào nhóm tư vấn chứng khoán… Thậm chí, có cả những cuộc gọi mời nhận quà tặng miễn phí từ những người tự xưng là nhân viên của các thương hiệu lớn như Vincom, Điện máy xanh… Nghiêm trọng hơn, chị T. (Hà Nội) đã từng tiếp nhận các cuộc điện thoại của các đối tượng tự xưng là cán bộ của Bộ Công an đang điều tra xác minh vụ việc vi phạm pháp luật có liên quan đến chị. Người này đọc được chính xác tất cả thông tin trên căn cước công dân của chị, sau đó đề nghị chị kết nối máy với một cán bộ công an tại địa bàn khác để tiếp tục làm việc.

Đứng trước thực trạng bị “khủng bố" cuộc gọi với tần suất liên tục như thế này, chị H. bức xúc: “Một ngày, tôi nhận được không dưới 15 cuộc gọi từ các đầu số lạ, từ hình thức là số máy bàn, đến các số máy di động lạ, rồi cả những số điện thoại được đăng kí thành tên cá nhân, nhìn như là những số điện thoại được mình tự lưu. Nhiều khi đang họp, tôi cũng phải xin phép ra ngoài để nghe điện thoại vì nghĩ rằng đó là đối tác hay những cuộc gọi quan trọng. Thực sự bây giờ tôi rất sợ mỗi khi tiếng điện thoại reo lên”

anh-chup-man-hinh-2023-12-29-luc-174050-1703846718.png
Người dùng hàng ngày phải tiếp nhận rất nhiều cuộc điện thoại lạ mời chào, quảng cáo các dịch vụ không có nhu cầu

Chị T cho biết: “Tôi làm công việc liên quan đến nội dung sáng tạo. Một ngày tôi nhận được rất nhiều các cuộc gọi từ số lạ, tôi nhấc máy nghe thì phần nhiều là những cuộc gọi quảng cáo, chào mời tư vấn chứ không phải những cuộc gọi công việc tôi đang cần. Điều này làm tôi rất mất tập trung và mất thời gian. Tôi đã chặn một vài cuộc gọi xuất hiện nhiều lần nhưng các cuộc gọi kiểu này vẫn chưa giảm"

Ghi nhận thực tế, việc tồn tại các cuộc gọi rác không chỉ gây phiền phức, khó chịu rất lớn tới người sử dụng mạng viễn thông, mà còn đang đặt ra một vấn đề lớn, đó là lộ thông tin cá nhân người dùng. Đây là cơ hội để các đối tượng lợi dụng, thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi. Nhiều trường hợp khách hàng đã mắc bẫy “quà tặng miễn phí", bị dẫn dụ vào các nhóm chat “làm giàu", rồi bị mất hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Hay những vụ việc người dùng bị “doạ" là đang bị dính líu vào một vụ việc vi phạm pháp luật, các đối tượng đọc chính xác thông tin cá nhân, từ đó yêu cầu người nghe nộp tiền đóng phạt…

anh-chup-man-hinh-2023-12-29-luc-174124-1703846718.png
Rất nhiều vụ việc người dùng nhận quà miễn phí, sau đó bị dẫn dụ vào các nhóm chat để "làm nhiệm vụ" rồi bị lừa mất tiền

Anh L. (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân tôi là một người cũng có chút hiểu biết, nhận diện được những cuộc gọi lừa đảo đó. Nhưng bố mẹ tôi ở nhà nhiều lần nhận cũng được những cuộc gọi như vậy, khi các đối tượng giả danh là cán bộ của các cơ quan nhà nước, thì bố mẹ tôi cũng rất lo lắng và cũng có ý định làm theo lời dẫn dụ của những đối tượng trên. Khi không hợp tác thì bị các đối tượng chửi bới, xúc phạm.”

Không chỉ “tấn công” người dân, mà hiện nay loại hình tội phạm sử dụng các cuộc gọi “rác” để “tấn công” cả những người làm việc trong khối cơ quan pháp luật, đơn vị quản lý nhà nước, bao gồm cả công an, luật sư, nhà báo, v.v… Điều này vừa thể hiện sự manh động của các đối tượng, vừa thể hiện sự loay hoay, “chống đỡ” thiếu hiệu quả từ chính các cơ quan quản lý.

Mức xử phạt đã có, nhưng vẫn là thách thức với các cơ quan chức năng

Dù đến hết tháng 5/2023, theo quy định, các thuê bao di động đều phải được chuẩn hoá thông tin, nếu không sẽ bị chặn liên lạc. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong sáu tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,8% so với sáu tháng cuối năm 2022.

Theo khoản 7a Điều 94 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được bổ sung tại Điều 32 Nghị định 91/2020/NĐ-CP) quy định: Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo...".

Danh sách không quảng cáo (DoNotCall) là tập hợp số điện thoại mà người có quyền sử dụng số điện thoại đó đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào.(Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 91/2020/NĐ-CP)

Ngoài ra, Điều 32, Nghị định 91/2020/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt đối với một số hành vi gửi tin nhắn rác, cuộc gọi rác như sau:

- Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

+ Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng;

+ Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo;

+ Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.

-  Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với các hành vi:

+ Thực hiện quá 01 cuộc gọi quảng cáo tới 01 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng;

+ Gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng;

+ Không có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo;

+ Không cung cấp cho người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ chối cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn đăng ký quảng cáo trên Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Đây là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Tuy nhiên, với tần suất và số lượng các cuộc gọi rác quá nhiều như vậy, thì việc xử phạt sẽ còn là thách thức với các cơ quan chức năng. Do đó, để bảo vệ và tránh phiền phức cho bản thân, người dùng lưu ý và chủ động thực hiện các biện pháp sau:

- Nói không với việc cung cấp các thông tin cá nhân như CMND/ CCCD, địa chỉ, thông tin người thân, thông tin ngân hàng, mã số thẻ…

- Chủ động sử dụng điện thoại chặn các số điện thoại có dấu hiệu làm phiền hay lừa đảo

- Phản ánh cuộc gọi, tin nhắn rác tới Cục an toàn thông tin - Bộ Thông tin và truyền thông: 

  1. Phản ánh qua tin nhắn SMS
  • Phản ánh cuộc gọi rác:

Cú pháp: V [nguồn phát tán][nội dung cuộc gọi rác] gửi 5656

Hoặc V (nguồn phát tán)(nội dung cuộc gọi rác) gửi 5656

Ví dụ: V (0985931054)(Cuộc gọi quảng cáo giới thiệu sản phẩm dịch vụ bất động sản của công y A) gửi 5656

  • Phản ánh tin nhắn rác:

S [nguồn phát tán][nội dung sms rác] gửi 5656

Hoặc S (nguồn phát tán)(nội dung sms rác) gửi 5656

Ví dụ:S (0985931054)(E Nhan lam cac Loai Giay Phep Laj Xe: May',0t0 GOl: ) gửi 5656

anh-chup-man-hinh-2023-12-29-luc-174251-1703846718.png
Dù chưa có phương án giải quyết triệt để vấn nạn này, nhưng hiện tại, người dùng mạng viễn thông có thể phản ánh cuộc gọi, tin nhắn rác qua SMS hoặc website của Cục an toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông
  1. Phản ánh qua website

Truy cập website https://thongbaorac.ais.gov.vn

- Bước 1: Nhập số điện thoại nhận được tin nhắn rác, cuộc gọi rác

- Bước 2: Nhập nguồn phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác (Thuê bao, Đầu số hoặc Brandname gửi tin)

- Bước 3: Nhập nội dung tin nhắn rác, cuộc gọi rác

- Bước 4: Upload bằng chứng là ảnh chụp màn hình tin nhắn rác hoặc file ghi âm cuộc gọi rác

- Bước 5: Nhấn nút Phản ánh để nhận mã OTP

- Bước 6: Nhập mã OTP bạn đã nhận được

- Bước 7: Nhấn nút Hoàn thành

Bạn đang đọc bài viết "Vấn nạn cuộc gọi 'rác': Vẫn thiếu giải pháp giải quyết triệt để từ cơ quan quản lý" tại chuyên mục Đời sống. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036