Vẽ tranh đường phố: Ranh giới giữa sáng tạo nghệ thuật và vi phạm pháp luật

10/02/2023 11:28

Theo dõi trên

Graffiti (nghệ thuật vẽ tranh đường phố) mang nhiều ý nghĩa, góp phần tích cực cho không gian tươi mới, là những thông điệp bằng bức tranh sơn đầy tính nghệ thuật. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một bộ phận vẽ tranh tự do đã có sự biến tướng, lệch lạc ảnh hưởng đến văn minh đô thị, có dấu hiệu hủy hoại tài sản, vi phạm pháp luật.

Nghệ thuật vẽ tranh đường phố Graffiti du nhập vào Việt Nam khoảng hơn 10 năm trước, tranh thể hiện được cái tôi và cá tính nghệ thuật của người vẽ. Nhiều tác phẩm graffiti góp phần làm đẹp cho không gian công cộng, tạo nên nét đẹp mới, độc đáo cho công trình kiến trúc, có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử.  

Tiêu biểu như con đường Huyền Trân Công Chúa ở TP. Huế, sau khi được nhiều họa sĩ thay tấm “áo” mới, bức tường cũ trở thành tác phẩm nghệ thuật nhiều màu sắc, nhiều chủ đề rất đáng yêu theo phong cách ngẫu hứng graffiti đã thu hút nhiều du khách.

Hay tại Hà Nội, cụm tác phẩm graffiti do nhóm nghệ sĩ người Anh vẽ ở phố Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ) với những màu sắc hết sức sống động và đẹp mắt được đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những bức tranh đẹp, mang nhiều ý nghĩa, được người dân ủng hộ thì những năm gần đây, tại TP.HCM và TP Hà Nội người dân rất bức xúc khi nhiều tài sản của gia đình, của công trình công cộng bị vẽ bẩn, nhếch nhác.

z4093144398279-08e4ce5d258586ac3801e9c456013214-1675835857.jpg
Nhiều tường rào, nhà dân bị vẽ bậy gây mất mỹ quan đô thị

Tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội, dễ dàng bắt gặp cửa nhà dân san sát nhau hay trụ điện, cầu vượt, công trình công cộng và nhiều tài sản khác bị bôi bẩn theo kiểu ngẫu hứng với đủ kiểu cách, màu sắc và đủ thể loại.

Theo người dân, việc vẽ bẩn này thường diễn ra vào đêm muộn nên rất khó phát hiện và ngăn chặn. Ngay cả khi camera có ghi được thì cũng không rõ và khó truy tìm.

Còn nhớ, năm 2017, việc đoàn tàu của Đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chưa đi vào hoạt động bị vẽ bậy. Hay mới đây nhất, việc 2 toa tàu metro (Bến Thành - Suối Tiên, TP Hồ Chí Minh) cũng bị vẽ bậy đã khiến dư luận rất bức xúc.

Theo Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại nơi công cộng… trái phép thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Theo Khoản 2, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức thì bị phạt tiền lên đến 5.000.000 đồng và buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mức cao nhất có thể bị phạt tù đến 20 năm tù, phạt tiền đến 100.000.000 đồng.

z4093144324286-d5c7f8880dab61da0ff58e6d42074627-1675835857.jpg
Hành vi vẽ bậy hủy hoại tài sản có thể bị phạt tù đến 20 năm tù, phạt tiền đến 100.000.000 đồng theo Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017)

Có thể thấy, ranh giới giữa việc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật được đón nhận và việc vi phạm phạm luật khi vẽ không đúng nơi, đúng chỗ là rất mong manh. Một bộ phận nhỏ người đang theo đuổi nghệ thuật vẽ tranh đường phố Graffiti đang có sự lệch lạc thiếu định hướng và thiếu kiểm soát dẫn đến nhiều hành vi xấu, làm hư hỏng tài sản, vi phạm pháp luật.

Ngoài việc tuyên truyền, nhắc nhở để người vẽ tranh đường phố hiểu và mang lại những tác phẩm đẹp, có ý nghĩa cho xã hội thì các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng để cố tình vi phạm pháp luật, tạo tính răn đe.

Quốc Long - Phong Hào
Bạn đang đọc bài viết "Vẽ tranh đường phố: Ranh giới giữa sáng tạo nghệ thuật và vi phạm pháp luật" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036