Đến nay, có 27 đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu được cấp phép và nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào vận hành thương mại, đưa Việt Nam từ một nước xuất khẩu toàn bộ dầu thô, nhập khẩu toàn bộ sản phẩm xăng dầu đã chủ động được nguồn cung xăng dầu nội địa.
Hiện nay, nguồn dầu thô phục vụ vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất chủ yếu là nguồn dầu thô trong nước và dầu thô nhập khẩu chiếm 10%; nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu.
Thực tế, trong 3 năm qua, lượng hàng nhập khẩu từ các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam đã tăng đáng kể, đặc biệt là mặt hàng xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc và dầu DO nhập khẩu từ các nước ASEAN. Điều này cho thấy nguồn cung xăng dầu trong khu vực khá dồi dào và cạnh tranh mạnh mẽ với hàng xăng dầu nội địa từ các nhà máy lọc dầu trong nước.
|
Chính sách giá bán xăng dầu trong nước theo thông lệ quốc tế là phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay |
Kể từ khi đi vào vận hành thương mại, nhà máy lọc dầu Dung Quất chế biến và tiêu thụ gần 60 triệu tấn xăng dầu các loại, doanh thu đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, nộp NSNN đạt hơn 159 nghìn tỷ đồng, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Đến hết năm 2018, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chế biến được hơn 1,6 triệu tấn xăng dầu.
Như vậy, giá mua dầu thô và bán sản phẩm xăng dầu của các nhà máy lọc dầu trong nước đều được định giá mua bán trên cơ sở giá thế giới theo thông lệ thị trường quốc tế. Thêm vào đó, cạnh tranh từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực cũng là một thách thức lớn đối với các nhà máy lọc dầu trong nước. Do vậy, chính sách giá bán xăng dầu trong nước theo thông lệ quốc tế là phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.