Trung đoàn 33 được thành lập ngày 25/4/1965 tại tỉnh Quảng Bình, tiền thân là Trung đoàn 101 thuộc Sư đoàn 325 Bình Trị Thiên. Tháng 5/1968, đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam với phiên hiệu A57. Là lực lượng chủ lực của Bộ Tư lệnh miền Đông Nam Bộ, Trung đoàn 33 đã chiến đấu và hoạt động trên địa bàn 9 tỉnh, 3 quân khu. Riêng tại chiến trường Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, đã có hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh anh dũng.
Trong suốt quá trình chiến đấu, Trung đoàn 33 đã hiện diện trên nhiều mặt trận ác liệt như Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến trường Bà Rịa, Lâm Khánh (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).


Một trong những trận đánh khốc liệt nhất, ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đơn vị, là cuộc đối đầu với quân đội Hoàng gia Úc vào ngày 6/6/1969 tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dù rơi vào thế bất lợi về lực lượng và vũ khí, Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn vẫn kiên cường bám trụ, gây nhiều tổn thất cho đối phương. Để giành được thắng lợi, 53 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Nhiều chiến sĩ bị địch đào hố chôn tập thể. Máu của các anh đã nhuộm đỏ mảnh đất Bình Ba, làm nên một khúc tráng ca bất tử giữa chiến trường khốc liệt.

Nhằm ghi nhớ và tôn vinh chiến công ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Trung đoàn 33 tại ấp Bình Đức, xã Bình Ba, nơi từng diễn ra trận đánh ác liệt năm xưa. Công trình được xây dựng trên diện tích hơn 4.000 mét vuông, gồm tượng đài, bia ghi danh liệt sĩ, nhà truyền thống trưng bày hình ảnh, hiện vật chiến đấu và các buổi họp mặt đầy xúc động của cựu chiến binh từ sau ngày đất nước thống nhất. Năm 2012, Khu tưởng niệm Trung đoàn 33 được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngày 26/4/2025, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), hàng trăm cựu chiến binh Trung đoàn 33 từ khắp mọi miền Tổ quốc lại trở về Khu tưởng niệm. Cùng với chính quyền và nhân dân địa phương, họ thành kính dâng hương tưởng niệm những đồng đội đã anh dũng hy sinh, và cùng nhau ôn lại ký ức không thể phai mờ về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.