Gần đây nhất, một nhân viên của Công ty B. chia sẻ trên MXH rằng cảm thấy bức xúc vì cách xử lý sự cố thiếu chuyên nghiệp của du thuyền 5 sao xảy ra tại chuyến đi du lịch cùng công ty. Cụ thể, ngày 4/6 công ty B. đã mua vé đi Hạ Long 2 ngày 1 đêm trên du thuyền C. thông qua một đơn vị đặt tour. Ngày 18/6 sau khi đến nơi nhân viên du thuyền lại thông báo rằng danh sách đăng kí lưu trú trên thuyền không có tên của công ty B. Ngay tại thời điểm trên, cũng có đoàn khách gặp trường hợp tương tự và xảy ra cãi vã khiến nhiều người hoang mang bởi trước đó phía công ty B. đã chuyển khoản hơn 44 triệu đồng.
Trường hợp trên được cư dân mạng cho là “may” vì công ty B. được hoàn lại số tiền đã đặt cọc trước đó. Bởi có nhiều trường hợp đối tượng lợi dụng việc mua bán trực tuyến do khó kiểm soát, xác minh tính chính xác của các thông tin, đã lừa đảo và chiếm đoạt tiền.
Chị T. (36 tuổi, nhân viên ngân hàng ở Đà Lạt) là một trong những nạn nhân của lừa đảo voucher du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay. Chị T. cho biết, vì công việc bận rộn nên sát ngày chị mới tìm mua voucher cho chuyến đi Huế - Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm. Thông qua một nhóm bán voucher du lịch trên Facebook, chị liên hệ với người đàn ông tự xưng là “sale”, hiện sinh sống ở Đà Nẵng. Sau quá trình tư vấn, trao đổi và thương lượng, chị T nhất trí và chuyển khoản tiền đặt cọc cho người đàn ông với số tiền hơn 16 triệu đồng. Nhưng khi chị vào đến khách sạn, đưa mã đặt chỗ thì nhân viên khách sạn báo việc đặt phòng này đã bị huỷ từ trước đó. Chị hoảng loạn gọi liên tục cho người đàn ông nhưng người này đã “chặn” chị trên Facebook cũng như chặn số điện thoại của chị.
“Từ hôm đó đến nay, tôi bận nên cũng chưa truy cứu thêm. Nhưng tôi sẽ gửi đơn kiện lên công an. Về sau, theo dõi trên nhóm, tôi mới biết cũng có ít nhất 2 người bị tài khoản này lừa giống như tôi nhưng họ bị lừa số tiền ít hơn” - chị T. nói.
Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Gia Võ, cho biết: “Trong trường hợp xảy ra rủi ro, việc đầu tiên cần làm là lưu trữ toàn bộ thông tin về giao dịch giữa mình và bên bán vocher. Thứ hai, sau khi củng cố toàn bộ thông tin về giao dịch và những trao đổi liên quan đến việc đặt vé. Hãy liên hệ lập tức với cơ quan công an để có một phương án khẩn trương và kịp thời. Khi trình báo cần chuẩn bị những chứng cứ để chứng minh hành vi lừa đảo của các đối tượng. Chuẩn bị những giấy tờ cá nhân như: CMND, CCCD, hoặc có thể cung cấp số tài khoản giao dịch,…và đề nghị cơ quan công an tham gia giải quyết và bảo vệ nạn nhân”.
Hình thức lừa đảo đặt phòng để chiếm tiền cọc vốn không phải là mới nhưng vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân của kẻ gian. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.