Vào trưa 11/10 vừa qua, tại một cửa hàng kinh doanh quần áo thể thao nữ có địa chỉ tại phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, một người phụ nữ khoảng 50 tuổi, đi xe đạp đã giả làm khách mua hàng để thực hiện hành vi trộm cắp tiền rất tinh vi.
Theo camera cửa hàng ghi lại, khoảng 12h30, người phụ nữ này vào cửa hàng vờ hỏi mua đồ. Sau đó, người này rất nhanh chóng lấy 1 sản phẩm bất kì mà không cần lựa chọn rồi giục nhân viên thanh toán. Mục đích của người này là để nhân viên mở ngăn kéo tiền.
Trong lúc nhân viên thực hiện thanh toán, người phụ nữ này đưa 500.000đ, sau đó nói muốn đổi tiền lẻ và liên tục áp sát, giật tiền, đồng thời hỏi rất nhiều thông tin để nhân viên không kịp cảnh giác rồi thực hiện hành vi trộm cắp. Ngay khi đã lấy được tiền, người này vội vã rời đi. Hành động của đối tượng trên rất nhanh gọn và chuyên nghiệp, khi nhân viên cửa hàng kiểm tra lại tiền thì đã phát hiện bị mất 2.500.000đ.
Vụ việc khác tại một cửa hàng quần áo trên phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy. Một đôi nam nữ đến cửa hàng tự xưng là cán bộ làm công tác phòng dịch của phường, dò hỏi nhân viên chủ cửa hàng có ở đây không, cửa hàng có nhiều nhân viên không và muốn lấy số điện thoại của chủ cửa hàng. Khi nhân viên từ chối cho số, người này liền yêu cầu nhân viên đóng tiền phòng dịch. May mắn hơn trường hợp trên, nhân viên này tỏ thái độ không hợp tác, nên đôi nam nữ kia liền rời đi mà không thực hiện được hành vi lừa đảo.
Điều đáng nói, khoảng thời điểm này năm ngoái, người phụ nữ trên cũng đã đến cửa hàng, dùng thủ đoạn tương tự, xin số điện thoại vờ như đang nói chuyện với chủ cửa hàng rằng đã đồng ý nộp tiền để nhân viên nghe thấy.
Theo phản ánh, tại khu vực tuyến phố Trần Đăng Ninh, tình trạng mất trộm phương tiện cũng xảy ra nhiều tại các cửa hàng.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều dạng lừa đảo thường gặp hiện nay. Các đối tượng thường lợi dụng thời điểm cửa hàng vắng khách, ít nhân viên, dùng nhiều chiêu trò khiến nhân viên mất cảnh giác, thậm chí giả danh người của các tổ chức để lừa đảo. Tình trạng này diễn ra trong suốt thời gian dài khiến các cơ sở kinh doanh và người dân lo lắng về tình hình an ninh trật tự.
Do vậy, để đề phòng việc trở thành nạn nhân của nạn lừa đảo, trộm cắp, mỗi người cần nêu cao ý thức cảnh giác với các đối tượng lạ mặt, có biểu hiện nghi vấn, chủ động bảo quản tài sản cá nhân, lắp đặt các thiết bị ghi hình, trình báo cơ quan chức năng khi xảy ra sự việc...
Tuy nhiên, để hạn chế tối đa tình trạng trên thì bên cạnh việc đề phòng, cảnh giác của người dân thì các cơ quan chức năng đóng vai trò quyết định. Sự quyết liệt của các cơ quan chức năng sẽ có sức răn đe, đẩy lùi loại tội phạm này để đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, giúp người dân yên tâm sinh hoạt và kinh doanh.