Bài 1: Cấp phép khai thác cát kiểu “cõng rắn cắn gà nhà”?

27/10/2019 01:35

Theo dõi trên

Thời gian qua, sau khi UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép cho hàng chục doanh nghiệp thăm dò, khai thác khoáng sản dưới lòng sông với thời gian từ 7 – 25 năm. Người dân bên bờ sông Lô đã phản đối quyết liệt bởi hàng trăm tàu khai thác hoạt động ngày đêm làm sạt lở hoa màu.

 

Những ngày của tháng 9, 10/2019 có mặt tại xã Chiêu Yên, xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn), xã Thái Hòa (huyện Hàm Yên) tỉnh Tuyên Quang, nơi có dòng sông Lô chảy qua. Người dân cho biết tình trạng khai thác cát tại địa phương đã diễn ra từ lâu, nhưng chưa bao giờ phức tạp như hiện nay khiến người dân rất bức xúc, cuộc sống bị đảo lộn.

Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 3 dòng sông chảy qua được UBND tỉnh cấp 34 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, trong đó sông Lô là 29 giấy phép.

dji022900040528still007

Hàng trăm tàu cát thi nhau rút ruột lòng sông.

Riêng sông Lô đoạn chảy qua huyện Yên Sơn và huyện Hàm Yên được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép khai thác cát, sỏi cho 03 doanh nghiệp (với thiết bị khai thác bằng tàu hút), cụ thể:

Cấp phép cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thành Công khai thác cát sỏi theo nội dung Giấy phép số 33/GP-UBND ngày 17/7/2017 với diện tích khai thác 48,0 ha, công suất khai thác 30.000m3/năm, thời gian khai thác 27 năm.

Cấp phép cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hải Giang khai thác cát sỏi theo nội dung Giấy phép số 06/GP-UBND ngày 10/01/2018 với diện tích khai thác 25,9ha, công suất khai thác 48.000m3/năm, thời gian khai thác 12 năm.

Cấp phép cho Công ty TNHH Thành Sơn Tuyên Quang khai thác cát sỏi theo nội dung Giấy phép số 17/GP-UBND ngày 09/5/2017 với diện tích khai thác 14,6ha, công suất khai thác 40.000m3/năm, thời gian khai thác 12 năm.

dji022900032426still002

Ông Đặng Văn Tài kể việc tàu cát làm sạt lở đất của gia đình.

dji022900025909still003

Người dân thôn Soi Long, xã Thái Hòa, Hàm Yên phản đối tàu khai thác cát.

Khi giấy phép được cấp cũng là những chuỗi ngày hoang mang của người dân bắt đầu bởi các "đại công trường" khai thác cát dưới sông của hàng trăm tàu hút, tàu cuốc, chúng miệt mài khai thác với những tiếng động cơ vang cả một khúc sông.

Cùng với hàng trăm tàu hút cát cỡ lớn và hàng chục tàu cuốc đang gầm rú rút ruột dưới lòng sông là những sà lan khổng lồ vận chuyển cát. Đáng nói, nơi cách bờ chưa đến 5m có nhiều tàu cuốc đang bủa vây thi nhau khai thác nạo vét lòng sông, chính vì vậy hàng trăm m2 đất nông nghiệp của người dân bị sạt lở nghiêm trọng tạo thành bờ vách dựng đứng, hoa màu bị cuốn theo dòng nước.

dji022900023515still006
Tàu khai thác cát không thu dọn, đổ chất thải theo quy định mà
đổ trực tiếp xuống lòng sông .

Theo người dân nơi đây, việc hàng trăm tàu khai thác cát hoạt động rất bừa bãi, nay chỗ này, mai chạy chỗ khác mà không có một phạm vi nhất định nên rất khó để người dân biết, giám sát.

Theo quan sát của PV, tất cả các tàu khai thác cát tại đây trong quá trình sàng lọc đã không thu dọn, đổ chất thải theo quy định mà đổ trực tiếp xuống lòng sông. Và hầu hết các tàu khai thác không cắm biển công bố dự án, không có kí hiệu phương tiện hay logo để nhận diện tàu khai thác đó thuộc doanh nghiệp nào, có được cấp phép hay không.

Đất canh tác bị sạt lở, hoa màu bị cuốn trôi khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, hàng trăm hộ dân tại xã Chiêu Yên (huyện Yên Sơn), xã Thái Hòa (huyện Hàm Yên) phải bỏ việc đồng áng cùng nhau ra sông để xua đuổi tàu cát mà đau xót cho từng tấc đất nhưng rồi đành bất lực. Dưới sông hàng trăm tàu cát vẫn khai thác, trên bờ người dân chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu kêu than.

dji022900020900still005
Tàu cuốc khai thác cát sát bờ gây sạt lở đất của người dân.

Thực tế việc cấp phép cho các doanh nghiệp thăm dò, khai thác nhằm quản lý hiệu quả, tránh việc khai thác bừa bãi. Tuy nhiên khai thác bừa bãi thiếu kiểm soát sẽ làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, sạt lở đất ven sông, tác động xấu đến môi trường, đặc biệt gây mất ANTT khiến người dân bức xúc, mất niềm tin.

Bởi mới đây, cũng trên dòng sông Lô này, hàng trăm hộ dân có đất ven sông tại các xã Thái Bình, Tiến Bộ, Tân Long (huyện Yên Sơn), xã Vĩnh Lợi (huyện Sơn Dương), xã An Khang (TP Tuyên Quang) phải kêu cứu chính quyền địa phương vì tàu khai thác cát ngày đêm khai thác gây sạt lở đất của người dân.

Còn nhớ, tháng 10/2016, sau khi người dân phản ánh quyết liệt về thực trạng khai thác cát sỏi trên sông Lô, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra Thông báo số 88/TB-UBND chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan, UBND các huyện và Thành phố Tuyên Quang dừng việc khai thác cát sỏi trên sông Lô bằng tàu, cuốc từ ngày 17/10/2016 để xem xét, đánh giá lại ảnh hưởng của việc khai thác cát sỏi dẫn tới sạt lở bờ sông trên địa bàn.

Thông báo này đến nay vẫn còn hiệu lực nhưng không hiểu sao đến nay tại các khúc sông, các tàu cuốc khai thác cát vẫn ngang nhiên hoạt động.

Mới đây, khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tính, Trưởng phòng TN và KS, Sở TN và MT tỉnh Tuyên Quang cho biết hiện các đoạn trên sông Lô đã được cấp phép hết, trừ đoạn những đoạn sạt lở, đoạn di tích và khu vực cấm.

Còn ông Phạm Trường Lâm, Chánh thanh tra Sở TN và MT tỉnh Tuyên Quang cho biết trong cả năm 2018 toàn tỉnh chỉ có 2 đơn vị vi phạm và bị xử phạt với những sai phạm không lớn.

Câu hỏi đặt ra là việc khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng đến đất canh tác, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của người dân trên địa bàn thì khắc phục ra sao, ai sẽ là người chịu trách nhiệm hay để người dân tự gánh?

Trước tình trạng khai thác cát diễn ra phức tạp, hàng trăm hộ dân đã bức xúc gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng địa phương và chờ đợi giải quyết. Truyền hình báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin ở bản tin sau.

 

 

Cao Thạch Thảo
Bạn đang đọc bài viết "Bài 1: Cấp phép khai thác cát kiểu “cõng rắn cắn gà nhà”?" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036