Đây là cây xăng số 2A phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Khi một chiếc xe bồn đang tiếp xăng cho cây xăng thì bất ngờ phát nổ, bùng cháy dữ dội chiều ngày 3/6/2013. Một ôtô 4 chỗ đậu trong cây xăng cháy đen. Cửa hàng bia 2 tầng nằm gần đó cùng 6-7 xe máy dựng trước cửa cũng bị lửa thiêu rụi. 3 nhân viên cây xăng bị lửa táp vào tay và mặt được đưa đi cấp cứu. Vụ cháy kéo dài suốt hơn 5 giờ mới được khống chế. Hàng chục cảnh sát cứu hoả phải nhập viện cấp cứu.
Vụ cháy này đã dấy lên một hồi chuông báo động đối với các cơ quan chức năng của Hà Nội về hệ quả của các cây xăng trong khu dân cư. Nhiều cuộc họp của các Sở, Ngành được diễn ra. Người ta bàn về quy hoạch, về an toàn PCCC và lên cả lộ trình di dời các cây xăng nằm trong khu dân cư.
"Bom xăng" trong khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao
Ngay trong năm 2013, năm xảy ra vụ cháy cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội đã có quyết định di dời 12 cây xăng nằm trong khu dân cư.
Còn hàng loạt cây xăng khác cũng nằm trong diện nguy cơ thì được xây dựng lộ trình di dời hoặc xoá bỏ có thời hạn.
Thế nhưng gần chục năm qua, Hà Nội vẫn loay hoay với lộ trình này. Trên thực tế, vẫn còn hàng loạt cây xăng tồn tại giữa khu dân cư, ở cả nội thành và ngoại thành. Không chỉ phá vỡ quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu của thành phố, mà luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư.
Ở phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội hiện vẫn có tới 3 cây xăng nằm gần khu dân cư
Cây xăng 85 Tam Trinh cũng nằm sát tường với nhà dân bao năm qua.
Cây xăng ở số 32 phố Tân Mai, không chỉ liền kề khu dân cư mà còn có lượng xe vào ra liên tục, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cây xăng ở Km06 trên đường Giải Phóng cũng trong tình trang tương tự.
Trên đây chỉ là vài ví dụ về những cây xăng nằm trong khu dân cư, nhiều nguy cơ cháy nổ. Điều này cho thấy, sau vụ cháy cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo gần chục năm trước, Hà Nội chỉ làm căng một thời gian rồi sau đó lại “hạ nhiệt”. Và từ đó nguy cơ vẫn luôn rình rập.
Khoảng 14g ngày 5/7/2016, cây xăng Sang Mạn tại khu vực gần chợ đầu mối Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã bốc cháy khi đang nhận xăng từ xe bồn.
Chiều tối ngày 28/3/2020, một vụ cháy nhà đã xảy ra gần cây xăng Nam Đồng, Hà Nội, rất may cây xăng không bị ảnh hưởng, nhưng cũng khiến người dân địa phương mất ăn mất ngủ.
Gần 10 năm sau "lộ trình" của Hà Nội, Thủ đô vẫn xảy ra tình trạng cháy ở cây xăng trong khu dân cư, gây hoang mang cho người dân
23h30 ngày 27/5/2020, cây xăng trên phố Hào Nam, quận Đống Đa bốc cháy dữ dội sau sự cố một xe ô tô lùi vào cột bơm xăng, khiến người dân la hét, hoảng sợ.
Sở Công thương với vai trò tham mưu cho Thành phố Hà Nội, vẫn chưa đưa ra được một phương án xử lý triệt để vấn đề cây xăng nằm trong khu dân cư. Thậm chí, Sở này vẫn cấp phép hoạt động cho nhiều cây xăng không nằm trong quy hoạch và có nhiều nguy cơ về cháy nổ cũng như an toàn giao thông.
Sở Công thương Hà Nội vẫn cấp phép cho một số cây xăng nằm trong khu dân cư
Cây xăng Vân Trì ở huyện Đông Anh ban đầu được xây dựng trái phép trên khu vực quy hoạch là đất ở chuyên dùng. Sau đó được lãnh đạo huyện Đông Anh hợp thức hoá sai phạm bằng một giấy phép sửa chữa. Dù nằm sát khu dân cư, không đúng quy hoạch, lại sát mặt đường, tiềm ẩn tai nạn giao thông, cửa hàng xăng dầu Vân Trì vẫn được Sở Công thương Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng huyện Đông Anh và xã Vân Nội “bật đèn xanh” cho hoạt động suốt nhiều năm qua.
Từ năm 2013 Hà Nội đã có kế hoạch di dời các cây xăng không đúng quy hoạch, nằm trong khu dân cư, nhưng vướng mắc do các doanh nghiệp xăng dầu kêu khó vì thời gian gấp gáp và có thể gây xáo trộn thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, đến nay đã gần chục năm, thì không còn là gấp gáp nữa, mà là quá chậm chạp và có biểu hiện “đánh trống bỏ dùi”.
(Còn nữa)