Các địa phương đang khẩn trương hỗ trợ, khắc phục thiệt hại cho người dân bị thiệt hại bởi bão lũ

16/09/2024 17:06

Theo dõi trên

Siêu bão Yagi gây ra thiệt hại nặng nề cho nhiều người dân ở khắp các địa phương bị ảnh hưởng. Tại vùng ngoại thành Hà Nội, chính quyền các cấp đang khẩn trương thống kế thiệt hại để lên phương án hỗ trợ người dân.

Giờ đây, những người nông dân huyện Đan Phượng phải đau lòng nhìn cảnh hoang tàn, bao nhiêu vốn liếng, công sức đều đã mất hết.

Ông Lê Văn Sáu - Chủ trang trại vườn ao chuồng tại xã Thọ Xuân huyện Đan Phượng, TP Hà Nội chia sẻ: “Diện tích đất canh tác của tôi có khoảng hơn 40 ngàn m2 được nhà nước cấp phép cho làm dự án vườn ao chuồng và tôi cũng làm được hơn 10 năm nay rồi. Đến năm nay do ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt thì toàn bộ số cây ăn quả như nhãn, bưởi, mít, kèm theo đó 2 ao cá hơn 11 ngàn m2 đến tháng 10 này thu hoạch thì đã bị mất hết rồi.

Tôi cũng không ngờ, cách 2 hôm bão về phá đổ hết cây, sau đó lũ tràn về nhanh quá khiến tôi không kịp chạy cái gì cả, chắn không kịp chắn. Lợn mất một số, vịt gà mất hết”.

Ước tính thiệt hại của gia đình tôi là cây bưởi khoảng 500 cây, mít khoảng 1000 cây, nhãn 500 cây, 2 hồ cá chuẩn bị thu hoạch nhưng mất hết, tổng thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.”

0a8b2e484318e546bc0912-1726453700.jpg
Bão và lũ đi qua khiến những người nông dân Đan Phượng sống gần sông Hồng bị thiệt hại nặng nề

Anh Nguyễn Văn Tuyền - Người dân trồng chuối tại xã Thọ Xuân cũng chia sẻ: “Vườn của tôi có 4 mảnh với diện tích khoảng hơn 3ha trồng chuối, theo kế hoạch thì vườn nhà tôi đến Tết này sẽ được thu hoạch hết, năm nay cũng là năm đầu tiên gia đình tôi làm, đầu tư công sức của cải hết vào đây. 

Thế nhưng sau trận bão kèm theo đó là trận lũ vừa qua thì tất cả đã không còn gì cả. Ước tính cuối năm có thể thu được hơn 2 tỷ nhưng giờ thì mất tất cả rồi.”

Anh Tạ Văn Sửu - Người dân trồng ổi tại xã Thọ Xuân xót xa cho biết: “Diện tích mảnh vườn của tôi khoảng 5 mẫu tương đương khoảng 1,8ha trồng ổi. Sau cơn bão này thì cây của tôi đã bị đổ hết, tôi mới nhờ người dựng lên lại lên nhưng không biết có cứu nổi không.

Thiệt hại của tôi chưa thể tính được là bao nhiêu tiền, vì ước chừng của tôi có khoảng 1250 cây mà mỗi một cây thu về khoảng 30 - 40kg ổi. Giá thu tại vườn của ổi rơi vào khoảng 15 ngàn/kg. Tôi chưa thể tính được thiệt hại của gia đình mình là như thế nào.

bf7041ce2c9e8ac0d38f11-1726453700.jpg
Hàng trăm, hàng ngàn cây ăn quả bị chết yểu do ngập úng

Bà Nguyễn Thị Thuận mẹ anh Sửu cho biết: “Gia đình tôi trồng mấy mẫu ổi bão đổ hết xong rồi giờ còn ngập lụt nữa thì đau xót đến đâu hả các chú. Quả đến ngày thu đến nơi mà bắt đầu thu thì lại ngập hết như thế này thật sự rất đau xót.”

Anh Phạm Duy Hưng - Người dân trồng phật thủ tại xã Thọ Xuân ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi là người làm vườn tại đây khoảng 5 mẫu 3 tương đương khoảng gần 2ha trồng phật thủ và 1 ít chuối. Cơn bão và trận lũ lụt vừa qua khiến nhà tôi mất trắng hết, phật thủ thì thối sạch, hoa tết thì mất trắng thất thu. Nguyên chỗ diện tích phật thủ của chúng tôi thiệt hại rơi vào khoảng hơn 1 tỷ đồng. Còn diện tích chuối tôi có hơn 1 ngàn cây thì thiệt hại khoảng hơn 200 triệu.

Thiệt hại này đối với chúng tôi là mất hết rồi, bọn tôi có tí vốn nào là vứt hết ra đây, đầu tư ra đây hết rồi coi như thế này là lại xuất phát lại từ đầu.”

Mong muốn của những người nông dân huyện Đan Phượng

“Tôi mong muốn rằng nhà nước ủng hộ được gia đình một chút nào đó, để tôi có thể phục hồi cây cối lại, đất thì không thể để vườn không nhà trống được, buộc phải trồng lại toàn bộ” - Ông Sáu chia sẻ mong muốn.

Anh Tuyền cũng chia sẻ: “Tôi cũng mong muốn rằng Đảng và Nhà nước sẽ có những biện pháp hỗ trợ người nông dân chúng tôi, để chúng tôi khắc phục hậu quả và đi tiếp vào sản xuất những vụ tới”.

43bb1762-5e9a-4aac-a7cf-0833626cc613-1726454285.jfif
ee2326e64bb6ede8b4a78-1726453700.jpg
94a25e29-e108-49bf-b00f-4a0ec0fe9a47-1726454018.jfif
Những nông dân đau xót khi thấy cảnh hoa màu, cây ăn quả sắp được thu hoạch thì lại mất trắng

Anh Hưng cũng chia sẻ mong muốn: “Tôi mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ cho chúng tôi một phần nào để chúng tôi gây dựng lại từ đầu”

“Tôi xin các cấp lãnh đạo xem xét giúp gia đình tôi về các cây bị thiệt hại sau cơn bão và cơn lụt này nữa” - Chia sẻ chân thành của anh Sửu.

Bà Thuận xót xa nói: “Đề nghị cơ quan chức năng cứu trợ cho gia đình chúng tôi, giúp đỡ gia đình chúng tôi được bao nhiêu quý bấy nhiêu, người ta còn mất nhà mất cửa chúng tôi may mắn hơn chỉ mấy tài sản nhưng tất cả đổ hết vào đây rồi lấy đâu ra chúng tôi sinh sống…”

Chính quyền địa phương đang lên phương án hỗ trợ người dân bị thiệt hại

Bão và lũ đã đi qua, để lại nhiều thiệt hại không chỉ tại xã Thọ An, Thọ Xuân mà còn nhiều xã khác ở huyện Đan Phượng như Trung Hà, Hồng Hà, Trung Châu... Nhà nước cũng đã phát đi nhiều các thông điệp để có thể sớm hỗ trợ người dân trở lại nhịp sống bình thường sau lũ.

Chỉ đạo việc triển khai công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy - Bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Chương Mỹ, Đan Phượng khẩn trương thống kê thiệt hại, xây dựng kế hoạch để hỗ trợ kịp thời người khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

f8d1e1728c222a7c73337-1726453700.jpg
Những người nông dân Đan Phượng đều mong muốn được các cấp lãnh đạo quan tâm chia sẻ và có những chính sách hỗ trợ bà con vượt qua đợt bão lũ này

Trao đổi nhanh với Người đưa tin TV, ông Lê Xuân Hưng - Chủ tịch UBND xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội cho biết hiện xã đang rà soát các trường hợp bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 và trận lũ vừa qua sau đó báo cáo lên cấp có thẩm quyền để xem xét đánh giá và hỗ trợ theo chính sách của nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Bắc - Chủ tịch UBND xã Thọ An, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội cũng khẳng định rằng, đối với địa bàn xã Thọ An, diện tích đất trồng trọt chăn nuôi là khá lớn nên nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện xã cũng đang cho rà soát, tổng hợp các thiệt hại để báo cáo lên cấp trên. 

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội chia sẻ với Người đưa tin TV, hiện tại xã cũng đã thăm hỏi tặng quà cho các gia đình chính sách, các gia đình trong diện phải di dân, sau đó xã cũng đã tổ chức thống kê các hộ gia đình bị hư hại thiệt hại do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và nước lũ sông Hồng dâng cao, qua đó áp dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Hiện nay cơ bản đã rà soát xong và chỉ chờ các hoạt động công khai thống nhất để niêm yết hỗ trợ đối với các hộ gia đình.

Nguyễn Trung - Minh Hoàng

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036