“Hàng tá” lý do mà các đối tượng có thể đưa ra cho hành vi bắt cóc trẻ sơ sinh như vì bị lừa đảo, vì khó sinh con, làm giả con mình,... hay phẫn nộ hơn là bán trẻ sơ sinh sang Trung Quốc kiếm lời.
Mới đây nhất, ngày 19/8, chị N.T.H. (SN 1983, trú tại xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) và người nhà bị một phen “thót tim” khi suýt mất con vì người phụ nữ giả dạng nhân viên y tế bắt cóc cháu bé. Rất may, người nhà sản phụ đã phát hiện kịp thời và phối hợp với bệnh viện bắt giữ, bàn giao đối tượng cho lực lượng chức năng.
Xác minh ban đầu, người phụ nữ là Nguyễn Thị Tuyến (SN 1989, trú tại huyện Chương Mỹ) là công nhân lao động trên địa bàn và đang mắc lừa số tiền hơn 10 triệu đồng. Biết đồng nghiệp đang có nhu cầu nhận con nuôi, Tuyến định bắt cóc trẻ sơ sinh trong bệnh viện để được người này cảm ơn số tiền lớn. Hiện lực lượng chức năng đang tạm giữ Tuyến để điều tra về vụ việc.
Khó sinh con, cuối năm 2017, Huỳnh Thị An (SN 1987, ngụ xã Vĩnh Châu, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã bắt cóc con của anh X (trú tại huyện Tri Tôn) khi anh này thuê An chăm sóc vợ và bé trai sơ sinh tại bệnh viện nhằm mang về nuôi dưỡng. Qua điều tra, Công an TP Châu Đốc bắt giữ An và giải cứu cháu bé an toàn.
Hay như trường hợp Lê Thị Bích Trâm (SN 1989, tạm trú huyện Nhà Bè, TP HCM) giả dạng người nhà sản phụ đến Bệnh viện Đa khoa quận 7, tìm sơ hở của sản phụ vừa sinh để bắt cóc trẻ sơ sinh bán sang Trung Quốc. Mở rộng vụ án, cảnh sát phát hiện đường dây mua bán trẻ em lớn. Các "chân rết" là người làm móng, xe ôm… lang thang tại bệnh viện, tiếp cận cặp vợ chồng khó khăn, mẹ đơn thân để dụ dỗ bán con.
Năm 2011, Nguyễn Thị Lệ (SN 1982, quê Bắc Giang) sinh con, không may cháu bé đã mất nên Lệ giả danh bác sĩ bắt cóc bé trai 3 ngày tuổi con sản phụ T (Hưng Yên) nằm tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhằm giả làm con mình để quay trở lại nhà chồng. Vụ án đã gây rúng động dư luận lúc bấy giờ và Lệ nhận bản án 4 năm tù giam.
Trong tất cả các vụ việc trên, nạn nhân đều là những trẻ sơ sinh, thậm chí mới chỉ vài ngày tuổi. Các đối tượng trà trộn vào bệnh viện, lợi dụng sơ hở, sự mất cảnh giác của sản phụ và người thân thực hiện hành vi phạm tội.
Luật sư Dương Lê Ước An, Công ty Luật hợp danh Đại An Phát cho biết, hành vi cải trang thành bác sĩ, nhân viên y tế, người nhà sản phụ bắt cóc trẻ sơ sinh có dấu hiệu vi phạm vào tội “Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điều 153 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, tại khoản 1 của điều luật có quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.”
Để xử lý hành vi trên theo quy định của pháp luật theo Khoản 1, Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về hành vi chiếm giữ người dưới 16 tuổi sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Tuy nhiên để quyết định hình phạt cụ thể dành cho hành vi trên cần phải có kết luận của cơ quan điều tra xem người phạm tội đó có thuộc các trường hợp tăng nặng tại Khoản 2; Khoản 3 của điều luật này hay không rồi mới có thể kết luận khung hình phạt cụ thể.
Để kẻ xấu không có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội như các trường hợp trên, cả sản phụ và người nhà sản phụ cần có sự cảnh giác cao, tuyệt đối không để sản phụ ở một mình với trẻ, không để người lạ bế trẻ, nhất là bế ra ngoài. Không những vậy, các bệnh viện, cơ sở y tế cần tăng cường thắt chặt an ninh, bảo vệ an toàn cho mẹ và bé, tránh tình trạng bắt cóc hay nhầm lẫn trẻ xảy ra.