Câu chuyện cảnh giác: Lừa đảo qua mạng xã hội quay trở lại

11/07/2022 10:10

Theo dõi trên

Cùng với sự phát triển của internet là sự xuất hiện của hình thức lừa đảo qua mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội không còn mới nhưng vẫn nhiều người mắc bẫy và đang có chiều hướng quay trở lại.

Ngày 5/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Tuyên Quang vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hưng (21 tuổi, trú tại thôn Thanh Hà, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Hưng khai nhận do thiếu tiền tiêu xài nên đã nảy sinh ý định chiếm quyền điều khiển tài khoản Facebook của người khác rồi giả danh vay tiền nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân. Với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, đối tượng Hưng đã chiếm đoạt tổng số tiền 8,8 triệu đồng. Hiện cơ quan CSĐT Công an thành phố Tuyên Quang tiếp tục điều tra, xác minh, mở rộng vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hay vụ việc gây xôn xao cách đây không lâu, chị K.D.Q. (27 tuổi, trú huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) nhận được tin nhắn mượn tiền từ tài khoản Facebook của 1 người quen. Do trước đó đã chuyển tiền qua lại với người thân này rất nhiều lần nên chị đã 3 lần chuyển khoản với tổng số tiền gần 30 triệu đồng. Khi chuyển tiền xong, chị Q. liên lạc với người quen thì mới biết bị lừa. Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đã phối hợp với Công an TP Buôn Ma Thuột triệt phá thành công chuyên án, bắt giữ đối tượng Phạm Vũ Quang Trường (20 tuổi, trú thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) để làm rõ hành vi chiếm dụng trên 400 tài khoản facebook để lừa đảo hơn 10 tỉ đồng.

anh-chup-man-hinh-2022-07-06-luc-121047-1657084336.png
Khởi tố đối tượng chiếm tài khoản Facebook để lừa tiền

Tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội đang diễn ra khá phổ biến, thậm chí có xu hướng gia tăng với những phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Cụ thể, các đối tượng thường dò tìm mật khẩu hoặc gửi đường link chứa mã độc đến tài khoản Facebook, Zalo cá nhân của người khác rồi lừa chiếm đoạt tài khoản. Sau khi có được tài khoản cá nhân, các đối tượng nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc của chủ tài khoản giả vay, mượn tiền, hoặc nhờ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của đối tượng. Đa số các tin nhắn lừa đảo trên đều có lý do cần tiền gấp và hứa sẽ trả trong thời gian ngắn. Nhiều người tưởng đó là người quen nên đã mắc bẫy kẻ gian và bị mất tiền từ vài trăm nghìn đồng cho đến hàng chục triệu đồng.

anh-chup-man-hinh-2022-07-03-luc-192552-1656851192.png
Cảnh giác với các hành vi lừa đảo trên MXH (ảnh: Internet)

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Căn cứ theo theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

- Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật hình sự quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: 

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

...”

Để tự bảo vệ mình, người sử dụng mạng xã hội tuyệt đối không bấm vào đường link lạ, không bấm xem các bài viết bị gắn thẻ có chứa đường  link độc hại, kiểm tra kỹ các đường link khi bạn bè, người thân nhờ chia sẻ. Nếu tài khoản cá nhân bị hack phải thông báo rộng rãi để bạn bè, người thân cùng nắm được. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thư điện tử cho người khác nếu chưa xác minh chính xác được người nhận là ai. Khi nhận được tin nhắn của bạn bè, người thân qua mạng xã hội hỏi vay tiền thì cần gọi điện thoại lại để xác minh sau đó mới chuyển tiền.

Thu Trang
Bạn đang đọc bài viết "Câu chuyện cảnh giác: Lừa đảo qua mạng xã hội quay trở lại" tại chuyên mục Đời sống. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036