Chính sách tài chính và doanh nghiệp phục hồi sản xuất thời “bình thường mới”

08/06/2022 09:54

Theo dõi trên

Đại dịch Covid-19 diễn ra và bùng phát nhiều lần khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính. Nhà nước ta đã ban hành các chính sách cơ bản hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trong thời “bình thường mới”...

“Cơn bão” Covid-19 đi qua để lại nhiều hậu quả nặng nề, gây khó khăn cho các doanh nghiệp ở tất cả các ngành, lĩnh vực trên cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, chỉ riêng tháng 8/2021, có 6.441 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, có 3.118 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 2.511 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 812 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Hiện tại, các doanh nghiệp đã và đang cố gắng duy trì sản xuất nhưng vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn như chi phí sản xuất kinh doanh bao gồm phí vận chuyển, nguyên vật liệu, chi phí phòng chống dịch của doanh nghiệp tăng cao; doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm; nguồn lao động bị thiếu hụt trầm trọng,...

doanh-nghiep-1654517407.jpg
“Cơn bão” Covid-19 đi qua để lại nhiều hậu quả nặng nề, gây khó khăn cho các doanh nghiệp

Đứng trước tình hình đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tài chính, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. 

Cụ thể, các chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất như Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ quy định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất với thời hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 5/9/2020 về gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế từ tháng 3 - tháng 10/2020…

Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng chưa đủ “mạnh”, mang tính hỗ trợ một phần để doanh nghiệp “cầm cự” qua khủng hoảng. Đơn cử như Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH 15 đưa ra một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có ngành vận tải, du lịch nhưng hiện tại, không có tác dụng với nhiều công ty lữ hành, lưu trú bởi nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, không có doanh thu thì việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay giảm thuế GTGT cũng không có tác dụng đến khôi phục sản xuất. Không chỉ vậy, các chính sách hỗ trợ này chỉ thực hiện đến hết 2021 là quá ngắn, chưa kịp “ngấm” với những đơn vị có hoạt động trở lại.

van-tai-cv-1654517407.jpg
Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH 15 đưa ra một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có ngành vận tải, du lịch nhưng hiện tại, không có tác dụng với nhiều công ty lữ hành, lưu trú

Bên cạnh đó, Nghị quyết 406 quy định giảm 30% thuế GTGT từ 1/11-31/12/2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ vận tải nhưng lại vắng bóng doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ vận tải như bến bãi ô tô, cảng hàng không, cảng biển,... Trên thực tế, doanh nghiệp vận tải khó khăn sẽ kéo theo cả doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ đi kèm vận tải.

Cùng với đó, Nhà nước cũng đã hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch qua các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN,... Kèm theo là giải pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động như Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg,...

bx-1654517407.jpg
Thực tế, doanh nghiệp vận tải khó khăn sẽ kéo theo cả doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ đi kèm vận tải

Để nâng cao hiệu quả của chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh trong tình hình hiện nay, tại Hội thảo Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19, Tiến sĩ Hà Thị Tuyết Minh, Giảng viên khoa Tài chính, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, cung cấp vốn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp gồm thiết kế gói vay theo từng cấp độ thiệt hại của doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục cho vay để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận; tiếp tục gia hạn, giảm, miễn một số loại thuế, phí; kích cầu nội địa tiêu dùng; chăm lo phúc lợi và an sinh xã hội - giải pháp tài chính đối với người lao động; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Thạch Thảo
Bạn đang đọc bài viết "Chính sách tài chính và doanh nghiệp phục hồi sản xuất thời “bình thường mới”" tại chuyên mục Đời sống. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036