Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Trước những thành tựu, thách thức và cơ hội phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng đề ra những chủ trương lớn, tạo ra sự chuyển đổi mang tính cách mạng về tư duy trong nông nghiệp. Thực hiện sáng tạo, hiệu quả những chủ trương và giải pháp được Đại hội XIII của Đảng đề ra tạo nên động lực mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với một thế hệ nông dân có tư duy đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng đưa đất nước trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần hai năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân”.
Thực hiện chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp cao trong thủ đô. Thành uỷ Hà nội đã ban hành chương trình số 07 - CTr/ TU ngày 17-3-2021 “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, nhằm mục đích phát triển nông nghiệp Thành phố hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phương thức sản xuất tiến tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nghiệp, quá trình đô thị hoá và nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân Thành phố.
“Trên trải thảm…”
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, theo yêu cầu của UBND thành phố, Sở đang xây dựng, hoàn thiện “Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030” với mục tiêu thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hiểu rõ ứng dụng công nghệ cao là nhân tố quan trọng, tạo bước đột phá phát triển kinh tế địa phương, những năm qua, quận Bắc Từ Liêm đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.Quận Bắc Từ Liêm đã triển khai Chương trình số 02-CTr/QU về “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận giai đoạn 2021 - 2025”. Mục đích chuyển đổi chuyển đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng, tăng trưởng bền vững, nâng cao quản lý đất đai, quy hoạch đô thị và định hướng phát triển bền vững đến năm 2025.
Ngày 18/07/2024, tờ Kinh tế Đô thị dẫn lời Chủ tịch UBND quận Nguyễn Hữu Tuyên, nhấn mạnh: Để hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình 02 đề ra, Quận cần tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng đô thị sinh thái - bền vững. Quận đặt mục tiêu ngành dịch vụ sẽ tăng trưởng 17,29% so với cùng kỳ, đến năm 2025 cơ cấu giá trị sản xuất ngành dịch vụ chiếm khoảng 34 - 35%. Ngoài ra, quận sẽ triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển thương mại điện tử và tiếp tục thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu.
Hiện nay, quận Bắc Từ Liêm đang trong giai đoạn quy hoạch xây dựng đô thị hóa rất nhanh với nhiều khu đô thị đã biến quận Bắc Từ Liêm thành Quận trung tâm và đặt ra nhiều yêu cầu cần bảo tồn làng nghề gắn với du lịch Thủ đô. Theo quy hoạch, phường Tây Tựu nằm trong vùng lõi đô thị có diện tích đất trồng hoa. Tuy nhiên có nhiều yếu tố tác động như: Thời tiết diễn biến khó lường; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa chất lượng cao chưa nhiều; vấn đề ổn định giá và bao tiêu đầu cho làng hoa cũng như chất lượng giống hoa vẫn là bài toán nhiều năm chưa có lời giải. Điều này khiến cho việc giữ vững làng nghề trồng hoa, đảm bảo sản xuất và ổn định cuộc sống người dân gặp nhiều trở ngại… Công tác quy hoạch vùng trồng hoa, quy hoạch mạng lưới kinh doanh hoa là đòi hỏi bức thiết, cần có các giải pháp đồng bộ và lộ trình đúng hướng nhằm duy trì bền vững làng nghề và tăng thu nhập của người dân địa phương.
Làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - được công nhận làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu năm 2016. Trước kia người nông dân trồng hoa kiểu truyền thống, được mùa - mất mùa hàng năm hoàn phụ thuộc thời tiết, dẫn đến cảnh nhiều gia đình vay vốn ngân hàng, vay mượn bên ngoài, xong rơi vào cảnh mất mùa, thua lỗ dẫn đến cảnh vỡ nợ. Từ thời điểm năm 2016, nông dân làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu được Đảng, Nhà nước và các cơ quan từ Trung ương tới Thành phố, Quận, Phường khuyến khích thay đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp, tăng cường học hỏi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, nông dân mạnh dạn vay mượn, tạo vốn đầu tư kho lạnh để phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhà kính phòng ngừa sâu hại, thời tiết, tăng năng suất cây trồng.
… dưới rải đinh”
Sáng ngày 21/10 UBND phường Tây Tựu phối hợp cùng các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện cưỡng chế đối với một số hộ nông dân làng nghề hoa trên phố Trung Tựu.
Trước đó, người dân đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều nơi trong đó có đơn gửi tới Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng với đó là lãnh đạo các cấp tại quận Bắc Từ Liêm và phường Tây Tựu nhằm mong muốn có những biện pháp hỗ trợ người dân làng nghề.
Theo ghi nhận của PV Người đưa tin TV, các lều lán dựng bằng tre nứa, trên mái buộc lưới nhằm mục đích ngăn chặn sâu bọ, cũng bị kéo sập. Một số hộ có nền bằng bê tông để làm chỗ đóng gói sản phẩm, cũng bị xới lên. Một số kho chứa, mục đích làm kho lạnh, nhưng hiện không chứa sản phẩm nông nghiệp, bị huỷ bỏ.
Sự “ưu ái” duy nhất chính quyền địa phương áp dụng là không phá dỡ các kho lạnh đang chứa sản phẩm nông nghiệp của bà con. Đây cũng là mong mỏi của người dân.
Việc làm nghiêm của chính quyền là có thể chưa sai về lý, nhưng lại hơi cạn về tình, khi phá dỡ cả những mái che bằng vật liệu tự nhiên kết hợp lưới. Không chỉ chống được sâu bọ, mái lưới còn là nơi che nắng mưa trong quá trình lao động, sản xuất.
Phá thì rất dễ và việc dễ đã được thực hiện. Bước tiếp theo chính quyền cơ sở cần có hướng dẫn cụ thể cho bà con nông dân cách thức làm lều lán, chăng lưới thế nào cho đúng quy định và hợp ý lãnh đạo địa phương, tránh tình trạng để bà con tự xoay sở, làm tự phát rồi tiếp tục bị phá dỡ. Đây là việc khó, nhưng đó là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với bà con làng nghề.
(Còn tiếp)