Dự án xây dựng làm hỏng công trình liền kề: Giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi cho người dân?

09/01/2024 13:35

Theo dõi trên

Mỗi năm, trên cả nước có cả chục vụ công trình xây dựng thi công làm sụt lún, rạn nứt,… hư hỏng công trình kế bên để người dân bức xúc, khiếu nại, tố cáo, khiến tình hình ANTT trở nên phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, ngoài sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương thì cần trách nhiệm của cả chủ đầu tư và đơn vị thi công.

Hồi tháng 5/2022, hơn 250 căn nhà của người dân ở xã Nhơn Sơn và xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận bị hư hỏng nặng do Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 27 thi công.

Sau đó,  đơn vị thi công là Công ty TNHH đầu tư và xây dựng công trình 656 đã phối hợp với UBND xã Mỹ Sơn chi trả tiền bồi thường cho nhiều hộ dân.

Hay mới hồi tháng 9 vừa qua, hàng loạt nhà dân tại đường 18, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM bị nứt, sụt lún do robot đào cống thoát nước hoạt động ngầm dưới lòng đất.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM về việc tạm ngưng thi công gói thầu XL07 để rà soát, đánh giá nguyên nhân, nhằm đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến các hộ dân.

Đây chỉ là hai trong nhiều vụ việc công trình thi công làm hư hỏng nhà kế bên khiến cuộc sống của người dân trở nên bất an, lo sợ nhưng đã kịp thời nhận được sự quan tâm của cả chủ đầu tư, đơn vị thi công cũng như chính quyền sở tại.

Còn thực tế, không phải vụ việc nào cũng tìm được tiếng nói chung, thống nhất được với mức hỗ trợ, đền bù. Nhiều trường hợp, công trình xây dựng làm ảnh hưởng đến tài sản của chủ thể khác, thậm chí uy hiếp tính mạng, sức khỏe của con người dẫn đến khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Khi đó, dự án bị đình chỉ thi công kéo dài, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho chủ đầu tư và đơn vị thi công. Còn người dân thì sống trong cảnh bất an, nớp nớp lo sợ sập, đổ nhà bất cứ lúc nào.

Như công trình xây dựng dự án nhà ở kết hợp dịch vụ tại 42 phố Hàng Bún, (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình - TP Hà Nội) là một ví dụ.

Dự án có tổng diện tích 5703,85m2, chiều cao 22m, bao gồm 6 tầng, 1 lửng, 1 tum thang và 2 tầng hầm do bà Nguyễn Thị Hạnh làm chủ đầu tư. Đại diện chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn quốc tế HTK; Nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần xây dựng và cơ khí Delta E&C (gọi tắt là Công ty Delta E&C).

z4999323225444-7949ff26a54bf40e78215521ad284654-1703236670.jpg
Dự án thi công từ táng 4/2021, nhưng hàng chục hộ dân gửi có đơn kiến nghị gửi đến UBND phường vì nhà xuất hiện nhiều vết nứt, hư hỏng

Tháng 4/2021, Dự án bắt đầu được khởi công, khi đang đào hầm thì hàng chục hộ dân sống gần dự án có đơn kiến nghị gửi đến UBND phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình kêu cứu vì ngôi nhà xuất hiện nhiều vết nứt, hư hỏng.

Suốt hơn 2 năm qua, UBND phường Nguyễn Trung Trực đã tổ chức nhiều buổi làm việc để nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần xây dựng và cơ khí Delta E&C (gọi tắt là Công ty Delta E&C) và người dân đàm phán, thương lượng, nhưng đến nay, người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù để ổn định cuộc sống.

z4999323378570-703da7254066f81e441dcf00ca48a1f5-1703236670.jpg
Suốt hơn 2 năm qua, UBND phường Nguyễn Trung Trực đã tổ chức nhiều buổi làm việc nhưng người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù để ổn định cuộc sống

Trao đổi với PV Người đưa tin TV về tính pháp lý trong vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hiến - Phó Giám đốc Công ty luật TNHH Gia Võ cho biết, cần xem xét đến vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như nhà thầu thi công để làm rõ vai trò, trách nhiệm trong giám sát, đảm bảo an toàn khi thi công để sớm có phương án bồi thường hợp lý.

“Theo quy định của pháp luật nước ta hiện nay, khi chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công tiến hành xây dựng dự án thì phải có biện pháp, phương án bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tính mạng của con người, bảo đảm cho thiết bị, tài sản và công trình xây dựng trong suốt quá trình thi công”. 

“Đồng thời phải có phương án đảm bảo môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định theo Điều 115, Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi bổ sung năm 2020”.

“Theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 16 của Nghị định 16/2022 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về xây dựng thì chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công khi xây dựng công trình mà gây sụt, lún, hư hỏng công trình khác… nhưng không làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người khác thì có thể bị xử phạt hành chính từ 30 - 40 triệu đồng. Chủ thể vi phạm là cá nhân thì mức phạt bằng ½ mức phạt của tổ chức”.

“Ngoài xử phạt hành chính ra thì chủ đầu tư và đơn vị thi công còn phải liên đới bồi thường đối với những thiệt hại mình gây ra cho các công trình lân cận”.

“Pháp luật dân sự nước ta hiện nay luôn đề cao sự tự do thỏa thuận của các bên đương sự, miễn là trong trái đạo đức và trái pháp luật. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để xác định mức độ thiệt hại để có quyết định mức độ bồi thường”.

z4999323605916-65c4eca3c8d5aef0502a836678469ee1-1703236670.jpg
Luật sư cho rằng, ngoài xử phạt hành chính ra thì chủ đầu tư và đơn vị thi công còn phải liên đới bồi thường đối với những thiệt hại mình gây ra cho các công trình lân cận

Được biết, Công ty Delta E&C được Thành lập từ năm 2016, có địa chỉ tại số 81 Phố Lạc Trung, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Ông Trần Mai Lê – Tổng giám đốc công ty, chịu trách nhiệm pháp luật.

Trên mạng internet, doanh nghiệp này được giới thiệu là dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực thi công nền, móng và đang từng bước khẳng định bản thân, sẵn sàng chinh phục những thử thách mới. 

Nói hay thì nên làm tốt. Trong vụ việc này, Delta E&C cũng nên xử lý bằng “lương tâm và tri thức” của mình để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, tránh xảy ra hậu quả liên quan tài sản và tính mạng người dân.

Quốc Long - Khánh Hà

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036