Những chiếc xe máy cũ bị tháo bớt phụ tùng, thay đổi kết cấu, chế tạo thành xe 3 bánh, xe máy kéo mà không có gương, không còi và không có đèn, những động cơ cũ được tự chế ngẫu hứng để phù hợp với mục đích sử dụng trái với quy định… nhưng luôn chở hàng cồng kềnh, cơi nới làm che khuất tầm nhìn.
Thậm chí những chiếc xe này còn phóng nhanh vượt ẩu gây nguy hiểm cho cả người và phương tiện khác khi tham gia giao thông, gây mất ATGT, ANTT là những hình ảnh dễ gặp trên các tuyến phố ở Hà Nội.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn TP. Hà Nội đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe 3 bánh, xe thô sơ, xe tự chế như: Vụ xe máy tự chế chở nhiều thanh sắt dài di chuyển trên phố Kim Ngưu, (quận Hai Bà Trưng) va chạm và xuyên thủng vào một xe ô tô 7 chỗ đi ngược chiều, một xe ô tô 5 chỗ đi phía sau vào ngày 23/4.
Ngày 8/5, một xe ba bánh tự chế chở nhiều thanh sắt dài khoảng 12m lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) xảy ra va chạm với xe buýt. Phía trước của các thanh sắt đâm thủng kính chắn gió của xe ôtô.
Sáng ngày 17/5 trên đường vành đai 2, đoạn qua quận Ba Đình, một xe ba bánh tự chế xảy ra va chạm với xe máy, sau đó xe ba bánh tự chế bị nổ lốp và bốc cháy nghi ngút khiến một người bị thương.
Trước những vi phạm nghiêm trọng trên, ngày 9/5, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 1370/UBND – TH, tại văn bản, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa.
Ngày 31/5 và ngày 2/6, PV Người đưa tin TV đã có dịp theo chân các cán bộ CSGT Đội 6, CSGT Đội 7 thuộc Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội để ghi nhận việc xử lý đối với những loại xe trên.
Tại ngã 4 Hồ Tùng Mậu - Trần Vỹ - Lê Đức Thọ (quận Bắc Từ Liêm), khi đang tham gia giao thông, nhiều xe tự chế, xe 3 bánh, xe máy kéo chở hàng dài, cồng kềnh trông rất nguy hiểm bất ngờ được Đội CSGT số 6 kiểm tra.
Thời điểm kiểm tra, nhiều tài xế không xuất trình được giấy phép lái xe cũng như đăng ký xe hợp lệ, rồi vịn nhiều lý do để xin bỏ qua, gọi điện cho người “thân” cầu cứu. Tuy nhiên, trước sự quyết liệt, Đội CSGT số 6 đã tiến hành lập biên bản, niêm phong và tạm giữ nhiều phương tiện.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm, Thượng Uý Trần Đoàn, Cán bộ Đội CSGT số 6, Phòng CSGT CATP. Hà Nội cho biết: "Qúa trình kiểm tra, xử lý thì có một số trường hợp giả danh thương binh tuy nhiên sau khi anh em đấu tranh làm rõ thì họ cũng thừa nhận mình không phải là thương binh. Đối với những trường hợp đó thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm".
Còn tại ngã 4 Khuất Duy Tiến - Vành Đai 3 - Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) khi Đội CSGT số 7 tiến hành kiểm tra, nhiều xe tự chế, xe 3 bánh, xe máy kéo đều có dấu hiệu bị thay đổi kết cấu và chở hàng cồng kềnh, lái xe cũng không xuất trình được giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe cho chiếc xe “tự chế” của mình và bị lập biên bản, xử lý theo quy định.
Đại Uý Nguyễn Chí Công, Cán bộ Đội CSGT số 7, Phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết: "Những đối tượng sử dụng xe tự chế thì phần lớn là người ngoài thành phố vào kinh doanh, một số người chưa nắm bắt được kiến thức về Luật Giao thông nên chúng tôi sẽ kết hợp vừa tuyên truyền vừa xử lý đối với trường hợp cố tình".
Từ năm 2007, Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 về việc đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu.
Theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Các quy định pháp luật để loại bỏ xe tự chế đã rõ, tuy nhiên bên cạnh việc xử lý vi phạm, kiên quyết tịch thu, tiêu hủy để răn đe thì cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cùng lực lượng chức năng để tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để chủ phương tiện có thể chuyển đổi, tìm một công việc khác phù hợp hơn.