Về làng Đăm, thuộc phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhiều người không khỏi xót xa trước hoàn cảnh của bà Chu Thị Ca - một phụ nữ đơn thân, bị tàn tật mức độ nặng, đang sống tạm trong căn lán chừng 10m2.
Bà Chu Thị Ca là em gái của Liệt sỹ Chu Viết Câu. Liệt sỹ Câu hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và được Đảng và Nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công. Hiện bà Ca là người hàng năm nhận chế độ và thờ cúng liệt sỹ.
Anh Chu Viết Cường, cháu bà Ca, cho biết: “Bà thì tự lo tự túc, con cháu cũng khó khăn không giúp gì được nhiều, lúc bà còn khỏe thì bà đi nhặt ve chai để sống thêm. Ngày xưa chính quyền cấp cho bà cái chứng nhận neo đơn, một tháng được vài trăm nghìn. Năm 1992, sau khi được xã cấp đất thì bà xây căn nhà cấp 4, đến nay nhà xuống cấp lắm rồi, mưa thì nước vào nửa nhà. Nay bà dành dụm, vay mượn ít để xây lại cái nhà kiên cố để ở, đang xây thì lại cấm không được xây nữa”.
Bà Chu Thị Ca nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi nằm ở đây 2 tháng rồi, nhà tôi trước là nhà cấp 4, nước vào ngập nửa cái tủ, vừa rồi nó lại sập, thế này tôi chết mất”.
Theo nghiên cứu, tìm hiểu của Người đưa tin TV: Cuối 1992, UBND xã Tây Tựu (nay là phường Tây Tựu) giao quyền quản lý sử dụng đất cho một số hộ gia đình, trong đó gia đình bà Chu Thị Ca được nhận 107m2. Bà Ca đã nộp 6.548.100 đồng vào ngân sách của xã.
Sau khi nộp tiền và nhận đất, gia đình bà Ca đã xây cho bà một căn nhà cấp 4 với diện tích 60m2, căn nhà cũng là nơi thờ cúng Liệt sỹ Chu Viết Câu.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013 và theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, trường hợp nhà bà Ca đủ điều kiện cấp “sổ đỏ”. Nhưng đến nay bà Ca chưa được cấp “sổ đỏ”.
Trải qua 30 năm, căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, xập xệ. Vốn bệnh tật, không đủ sức lao động, sống neo đơn, bà Ca vay mượn và dùng tiền tích góp bấy lâu nay để sửa sang căn nhà kiên cố hơn, với mong muốn tránh được mưa, gió.
“Đang xây, cháu nó đi chọn ngày đổ trần thì các anh bên phường ra bảo đất không “sổ đỏ” thì không xây được. Tôi chẳng mong gì hơn, mong địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôi xây nhà để ở”, bà Ca nói.
Theo Điều 3 Nghị định 53/2017/NĐ-CP của Chính phủ, các trường hợp có giấy tờ đất đai như nhà bà Ca có thể đủ điều kiện cấp phép xây dựng, dù chưa được cấp “sổ đỏ”.
Để xảy ra sự việc như trên cũng cho thấy lỗ hổng lớn trong chính sách quan tâm người có công ở phường Tây Tựu. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo phường và cán bộ chuyên trách ở các nhiệm kỳ trước. Và nay việc giải quyết hậu quả được dồn lên vai tân Chủ tịch UBND phường Tây Tựu - Nguyễn Quang Thậm, cũng như ông Bí thư Đảng uỷ của phường này. Trước khi về Tây Tựu, tân chủ tịch phường là lãnh đạo phường Đông Ngạc, là người đặc biệt quan tâm tới chế độ người có công và người yếu thế trên địa bàn.