Tham dự Hội thảo, về phía Hội Luật gia Việt Nam có: Đồng chí Nguyễn Văn Quyền – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam chủ trì hội thảo; đồng chí Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam.
Cùng tham dự hội thảo còn có đại diện Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam; đại diện lãnh đạo Trung tâm trọng tài quốc tế tại Tp.HCM; Trung tâm tư vấn pháp luật tại Tp.HCM; Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG Tp.HCM; Sở Tư pháp Tp.HCM; Tòa án nhân dân Tp. HCM; Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM; Viện kiểm sát nhân dân Tp.HCM; Cục Thi hành án dân sự Tp.HCM; Trung tâm trọng tài Thương nhân Việt Nam; Trung tâm trọng tài thương mại Tài chính FCCA; Tạp chí Đời sống và pháp luật và một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố HCM.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, chủ trương khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải bằng trọng tài được ghi nhận trong rất nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt tại Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đây là chủ trương rất quan trọng, nhằm mở rộng các hình thức giải quyết các tranh chấp trong các hoạt động kinh doanh thương mại và các quan hệ khác thông qua các hoạt động trọng tài.
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cho biết, Luật TTTM năm 2010 có hiệu lực từ tháng 1/2011 có nhiều điểm mới, tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng trong hoạt động trọng tài thương mại. Đồng thời, hỗ trợ cho các cơ quan tư pháp, tòa án trong việc bớt những vụ việc giải quyết những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, phát triển sản xuất kinh doanh tốt hơn. Trong quá trình làm Luật TTTM, Hội Luật gia đã tranh thủ nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp lý, các cơ quan tư pháp. Vì vậy, khi Quốc hội thông qua đều có sự nhất trí rất cao.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đánh giá, sau 12 năm thi hành Luật TTTM, đã thu được nhiều kết quả tích cực, hệ thống tổ chức trọng tài thương mại được xây dựng, phát triển rất rộng rãi. Đặc biệt, đội ngũ trọng tài viên hiện nay rất đông đảo, đồng thời kỳ vọng vào giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, việc thực hiện Luật này đã được 12 năm, nên còn một số tồn tại trong quy luật phát triển.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề nghị các đại biểu, các trọng tài viên tham gia hội thảo có những ý kiến để rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại của Luật TTTM.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến đa chiều, đưa ra nhiều tham luận liên quan đến nhiều vấn đề trong việc thực thi Luật TTTM trong hơn 10 năm qua. Các đại biểu cũng đã chỉ rõ thêm nhiều hạn chế, bất cập cũng như bổ sung thêm nhiều vấn đề và đề xuất hướng khắc phục.
Qua đó, tất cả các ý kiến đều đồng thuận cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại, tiến tới hoàn thiện thể chế về trọng tài thương mại, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia cho biết Ban Biên tập sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31/12/2022 theo kế hoạch đề ra.
Ông Quyền cũng bày tỏ mong muốn nếu Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao xây dựng hồ sơ dự án án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp, các trung tâm trọng tài và trọng tài viên trên con đường hoàn thiện pháp luật về trọng tài.