Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh: Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển và quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Nga tại châu Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
GS. TS Nguyễn Công Nghiệp cho biết: Tiếng Nga hiện nay là 1 trong 5 ngoại ngữ được đào tạo tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT). Khoa Ngôn ngữ Nga được thành lập vào năm 2013. Trong hơn 10 năm, khoa đã đào tạo được nhiều cử nhân tiếng Nga và đã có trên 30 sinh viên nhận được học bổng toàn phần của hai Chính phủ Nga và Việt Nam để sang du học tại nhiều trường đại học khác nhau ở Nga.
Một trong những hoạt động quan trọng của HUBT là thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục với nhiều nước. Về hợp tác với Nga, nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nga tại Việt Nam và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, nhà trường đã xây dựng được mối quan hệ trực tiếp với nhiều cơ sở giáo dục của Liên Bang Nga và đã ký được một số thỏa thuận song phương.
Năm 2022, HUBT và NEFU đã ký một thỏa thuận, kết quả thực tiễn quan trọng của thỏa thuận này là việc cùng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ III. Ngoài ra, để thực hiện thỏa thuận với NEFU, nhà trường đã mở Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nga tại HUBT. Nhiều sự kiện khác nhau sẽ được tổ chức tại đây để thu hút sinh viên Việt Nam học tiếng Nga.
Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Tiếng Nga ở châu Á” lần thứ III diễn ra từ ngày 25 - 27/11 tại Hà Nội, là diễn đàn cho các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng các vấn đề về đào tạo tiếng Nga ở châu Á, tăng cường nghiên cứu, giảng dạy tiếng Nga trong giai đoạn mới hiện nay.
Hội thảo xoay quanh các nội dung chính: Tổng quan chung về ngành Ngôn ngữ Nga hiện đại trong không gian giáo dục của một thế giới đa cực và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ và nghiên cứu khoa học; những vấn đề cấp bách của việc dạy tiếng Nga hiện nay; trí tuệ nhân tạo trong hệ thống dạy tiếng Nga cho người nước ngoài: Điểm mạnh và điểm yếu; vai trò các ký hiệu trong giảng dạy tiếng Nga cho người nước ngoài; kinh nghiệm quốc tế trong giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ; giao lưu hữu nghị “Yakutia - Việt Nam” giữa sinh viên NEFU và HUBT.