Khánh Hoà: Một “siêu” dự án “ngủ quên” hơn 16 năm

16/12/2019 11:19

Theo dõi trên

Một dự án du lịch nằm ở vị trí đắc địa ven bờ biển (thuộc xã Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích gần 174ha đất. Thế nhưng, sau khi được phê duyệt, thay vì triển khai thực hiện đúng tiến độ, thì dự án lại "đắp chiếu" suốt 16 năm qua, gây ra nhiều hệ lụy cho cuộc sống của dân cư địa phương.

 

 

Cụ thể, vào tháng 8/2003, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định số 2688/QĐ-UB, phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai theo đề nghị của Công ty Cổ phần Phương Mai (địa chỉ số 2 Lê Hồng Phong, phường Phước Hải, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), với tổng diện tích gần 174ha đất thuộc xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa (nay là phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa).

Điều đáng nói, ngày 12/8/2003, Công ty Phương Mai có tờ trình xin phê duyệt quy hoạch dự án, ngay lập tức ngày 13/8/2003, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa có tờ trình 1243/XD-QH đề nghị UBND tỉnh phê duyệt. 13 ngày sau, tức là ngày 26/8/2003 UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra Quyết định số 2688/QĐ-UB phê duyệt dự án.

Có thể nói, đây là một dự án được phê duyệt với tốc độ nhanh chóng mặt. Nhưng ngay sau khi có Quyết định phê duyệt thì dự án "đắp chiếu" đến năm 2010.

doc let phuong mai00002012still004

Dự án "đắp chiếu" 16 năm, gây nhiều hệ lụy cho cuộc sống người dân địa phương.

Sau 7 năm dự án "đắp chiếu", ngày 28/9/2010 UBND tỉnh Khánh Hòa lại có Quyết định 2504/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai. Theo Quyết định 2504 thì quy mô của Dự án chỉ còn hơn 163ha đất giảm đi 10ha. Diện tích đất được điều chỉnh khỏi quy hoạch Dự án Dốc Lết - Phương Mai gồm: Đất thuộc Dự án nhà máy đóng tàu STX, đất thuộc Dự án cá lồng Nauy, đất thuộc Dự án cầu tàu du lịch, đất quy hoạch khu dân cư thôn Đông Hải…

Nhưng từ năm 2010 đến năm 2017 dự án lại tiếp tục "đắp chiếu". Như vậy kể từ ngày khởi động dự án đến nay đã qua 16 năm, đầu năm 2017 Công ty Cổ phần Phương Mai đã quay lại thực hiện dự án, mặc dù theo luật đất đai năm 2013 thì giấy phép đầu tư số 37221000112 do Ban Kinh tế Vân Phong cấp ngày 2/10/2011 cho Công ty Phương Mai đã hết thời hạn.

Còn người dân trong khu vực "dự án treo" chỉ biết đứng ngồi không yên nhìn ruộng đồng bị bỏ hoang hóa suốt thời gian dài và giá đền bù theo họ thì mỗi mét vuông đất không mua nổi một tô phở.

Ông Lê Văn Hùng (tổ dân phố 9, phường Ninh Hải) cho biết: "Năm 2003 cán bộ về thông báo đất nhà tôi vào dự án, sẽ được đền bù số tiền lớn, đến khi họ gọi đi nhận tiền tôi mới biết giá đền bù là 18.000 đồng/m2. Trong khi cũng một dự án bên cạnh của Cảnh sát biển họ đền bù cho người dân 180.000 đồng/m2, tôi không đồng ý nhận tiền. Họ lấy lý do mượn sổ đất của tôi để kiểm tra lại rồi tự ý cắt đất trên sổ của tôi cho dự án".

doc let phuong mai00031304still006

Người dân địa phương không đồng tình với giá đền bù 18.000 đồng/m2 đất.

Bà Phạm Thị Liễu (thôn Đông Hải, phường Ninh Hải) bức xúc: "Họ tính giá đền bù mà không phân biệt vị trí đất, đất mặt đường cũng như đất trong núi, giá chung là 18.000 đồng/m2 nên người dân chúng tôi bức xúc không nhận tiền".

Ông Nguyễn Ngọc Trung (tổ dân phố 1, phường Ninh Hải) cho biết thêm: "Một dự án treo kéo dài 17 năm, khoảng thời gian đủ để một đứa trẻ sinh ra và trưởng thành, thế nhưng trong suốt thời gian ấy người dân không được canh tác trên đất của mình, nhà cửa chuồng trại cũng không được sửa chữa xây dựng. Cứ làm gì là có cán bộ của địa phương và dự án đến nhắc nhở không được làm vì đây là đất thuộc dự án".

doc let phuong mai00042914still005

Suốt thời gian dự án đắp chiếu, người dân không được tu sửa,

mở rộng nhà cửa hay chăn nuôi, trồng trọt trên đất của mình.

Một dự án có quy mô hơn 160ha và vốn đầu tư hơn 4000 tỷ đồng, nhưng ẩn chứa nhiều "khuất tất" trong quy trình thực hiện, khiến người dân không đồng thuận, có dấu hiệu vi phạm luật đất đai rất rõ ràng.

Đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cần vào cuộc xem xét, xác minh xử lý dứt điểm để lấy lại niềm tin của nhân dân vào những chính sách phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Dự án phát triển thúc đẩy kinh tế địa phương là cần thiết, nhưng phải thuận lòng dân và tuân thủ những quy định của pháp luật thì mới là một dự án phát triển bền vững.

Quốc Long
Bạn đang đọc bài viết "Khánh Hoà: Một “siêu” dự án “ngủ quên” hơn 16 năm" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036