(Bài 3) Vụ ưu ái chuyển đổi đất đai cho người nhà 'quan lớn' ở Thái Nguyên: Dấu hiệu cố ý làm trái

17/02/2021 12:16

Theo dõi trên

Hơn 10.000 m2 đất nông nghiệp được chuyển đổi trái quy định thành đất trồng cây hàng năm. Sau đó, tiếp tục vi phạm khi tự ý chuyển đổi thành một mô hình khu sinh thái. UBND thị xã Phổ Yên và UBND xã Hồng Tiến đã bao che, không xử lý vi phạm, gây bất bình trong nhân dân suốt thời gian dài.

 

Theo ghi nhận của PV, từ năm 2019 đến nay, sau khi gia đình bà Trần Thị Sinh ở xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm thì đã tự ý đổ đất, đào ao, xây dựng một số hạng mục như tường bao, đường đi, dựng một số nhà tôn, tạo thành một khu sinh thái rất quy mô, bề thế.

Mặc dù đã được nhiều cơ quan báo chí như: Báo Thanh tra, báo Kinh tế nông thôn, báo Công lý, tạp chí mặt trận,… phản ánh nhưng những vi phạm này vẫn ngày càng nghiêm trọng, thách thức dư luận.

Theo nghiên cứu, tìm hiểu của PV, năm 2018, thời điểm UBND thị xã Phổ Yên ký quyết định cho bà Sinh chuyển đổi đất, thì việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa vẫn đang được điều chỉnh bởi Nghị định 35/2015/NĐ – CP ngày 13/4/2015 và sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều tại nghị số 62/2019/NĐ - CP.

78a1260f6db39dedc4a2-1612604620.jpg
Gia đình bà Sinh tự ý san lấp, đào ao, làm đường bê tông, nhà xưởng xây tường bao như một khu sinh thái

Tại  khoản 1, Điều 1 Nghị định 62/2019/NĐ -CP nêu các điều kiện để chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm như sau: Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa, không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; Việc chuyển đổi phải phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng  từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm của xã, đảm bảo công khai, minh bạch.

Theo điểm a, khoản 3, Điều 3 Nghị định 91/2019/ NĐ – CP ngày 19/11/2019 quy định huỷ hoại đất là một trong các hành vi: Thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề.

Đối chiếu các quy định trên, việc gia đình bà Sinh tự ý san lấp, đào ao, làm đường bê tông, xây tường bao, làm hư hỏng các công trình giao thông, thuỷ lợi trong khu vực là đã làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại. Đây là hành vi huỷ hoại đất rất rõ cần phải được lập biên bản và xử lý.

Tại Điều 15 của Nghị Định 91/2019/NĐ – CP có quy định hành vi huỷ hoại đất với diện tích từ 10.000 m2 trở lên sẽ bị phạt từ 60 triệu đến 150 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.

Quy định là như vậy, nhưng tại Báo cáo số 06/UBND – TNMT ngày 9/3/2020 của Phòng Tài nguyên và môi trường Thị xã Phổ Yên về kết quả kiểm tra đất đai của bà Trần Thị Sinh lại khẳng định việc chuyển đổi của gia đình bà Sinh là đúng quy định của pháp luật. Báo cáo nêu “qua kiểm tra thực tế hiện trạng đã cải tạo mặt bằng thành đất trồng cây lâu năm và trồng một số cây ăn quả”.

87af1f0154bda4e3fdac-1612604620.jpg
Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên “phóng tay” ký cấp chuyển đổi gấp đôi, là dấu hiệu cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, cần được xem xét xử lý cả về hành chính lẫn hình sự

Thực tế, bà Sinh trồng phần lớn là cây cảnh thân gỗ và một số loại rau xanh, đào ao, đổ bê tông, dựng nhà là sai với mục đích đất trồng cây lâu năm. Với Báo cáo số 06, Phòng Tài nguyên và môi trường đã cố tình bao che, hợp thức hoá cho vi phạm.

Bên cạnh đó, việc cấp tỉnh cho phép chuyển đổi khoảng 5000m2 đất nông nghiệp, nhưng ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên lại “phóng tay” ký cấp chuyển đổi gấp đôi, là dấu hiệu cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, cần được xem xét xử lý cả về hành chính lẫn hình sự.

Hiện nay, lãnh đạo xã Hồng Tiến và lãnh đạo thị xã Phổ Yên vẫn cản trở báo chí tiếp cận thông tin liên quan vụ việc. Một phần để bao che sai phạm, phần khác có thể không muốn động chạm tới một vị “quan lớn” ở địa phương, bởi bà Trần Thị Sinh là mẹ của vị “quan lớn” này.

Nguồn tin riêng cho hay, ông Phan Mạnh Cường, lãnh đạo TP Thái Nguyên có mẹ vợ cũng tên là Trần Thị Sinh, cũng ở địa chỉ trên.

6b17c6b98d057d5b2414-1612604826.jpg
Ông Phan Mạnh Cường, lãnh đạo TP Thái Nguyên có mẹ vợ cũng tên là Trần Thị Sinh, cũng ở địa chỉ trên

Đề nghị UBND tỉnh, UBKT tỉnh, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên vào cuộc thanh tra toàn diện đối với công tác quản lý đất đai của thị xã Phổ Yên, chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc vi phạm pháp luật của bà Trần Thị Sinh.

Truyền hình Người đưa tin pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Ngọc Quang - Quốc Long

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036