Tương truyền, Triều Khúc từng là nơi Vua Phùng Hưng luyện quân để chuẩn bị giao chiến với tướng Đào Chính Bình của nhà Đường. Dù không phải quê hương của ngài, nhưng sau khi giành chiến thắng và lên ngôi, người dân Triều Khúc đã lập đền thờ, tôn vinh Phùng Hưng như một vị Thánh, thể hiện lòng tri ân và ngưỡng vọng đối với công lao của ngài.

Hội làng Triều Khúc mở đầu với nghi thức rước long bào, triều phục của Vua Phùng Hưng từ đình thờ Sắc về đình Đại Đình, chính thức khai hội. Nghi lễ này mang ý nghĩa mời thánh nhân về ngự tại Đại Đình, tôn vinh công đức của ngài, mừng ngày đăng quang và bày tỏ lòng tri ân vì đã ban cho dân làng cuộc sống ấm no, an lành.

Không gian lễ hội tại ngôi làng "nửa phố" này vẫn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, tiêu biểu nhất là điệu múa trống bồng. Trong điệu múa này, trai làng hóa trang thành nữ, đánh phấn, tô son, đội khăn mỏ quạ, mặc váy nhiễu ngũ sắc, vừa nhún nhảy duyên dáng vừa vỗ trống bồng theo nhịp điệu rộn ràng.
Tục lệ này bắt nguồn từ giai thoại về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Tương truyền, sau mỗi chiến thắng, ông cho binh sĩ mở hội ăn mừng. Để khích lệ tinh thần nghĩa quân, trai tráng trong đoàn quân đã hóa trang thành nữ, đeo trống nhỏ múa hát. Từ đó, điệu múa trống bồng ra đời và trở thành nét văn hóa độc đáo của hội làng Triều Khúc, được gìn giữ qua bao thế hệ.

Hội làng Triều Khúc năm 2025 diễn ra từ ngày 9 đến 12 tháng Giêng (Âm lịch) với nhiều nghi thức truyền thống và hoạt động dân gian đặc sắc như múa rồng, múa lân, múa sênh tiền, múa bồng và múa chạy cờ. Bên cạnh các nghi lễ trang trọng, người dân làng Triều Khúc còn tham gia nhiều trò chơi dân gian sôi động như đá cầu, đấu vật, cờ người và trưng bày cây cảnh, góp phần tạo nên không khí hội xuân rộn ràng, vui tươi.

Trải qua hành trình dài phát triển cùng Thủ đô Hà Nội, hội làng Triều Khúc vẫn giữ được nét nguyên sơ, phản chiếu cốt cách và giá trị tâm linh của một lễ hội truyền thống lâu đời. Các thế hệ người dân nơi đây luôn tự hào, nỗ lực gìn giữ và truyền lại những giá trị văn hóa quý báu. Chính nhờ sự đặc biệt đó mà lễ hội làng Triều Khúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2019.