Miếu Đinh Nguyên - Nơi hội tụ linh khí đất trời

11/03/2024 07:30

Theo dõi trên

Miếu Đinh Nguyên tọa lạc tại xã Thọ An - Đan Phượng - Hà Nội. Được xây dựng ở vị thế trung tâm của làng, miếu là nơi hội tụ, lưu giữ các giá trị văn hóa lịch sử của một thiết chế tín ngưỡng làng xã cổ truyền.

Lịch sử hình thành và phát triển

Căn cứ vào cuốn thần phả lưu trữ tại di tích và truyền thuyết lưu truyền trong cư dân vùng Thọ An, Thọ Xuân thì miếu Đinh Nguyên thờ vị thành hoàng làng là Nam Uyên Đại Vương. Tương truyền Nam Uyên đại vương sống ở thời Hùng Vương thứ 18, có tài văn võ. Năm 24 tuổi, cha mẹ qua đời, ngài đi chu du thiên hạ, được vua Hùng Huệ Vương chọn là Chỉ huy sứ Tả tướng quân đem quân đến đạo Sơn Tây, phủ Tam Đái chống quân Thục. Thắng trận, ngài trở về vùng Chu Phan khoản đãi dân làng và hóa ngay sau đó, được vua phong là Thượng đẳng phúc thần.

Qua nhiều giai đoạn lịch sử, thời chiến miếu Đinh Nguyên là địa điểm họp bí mật, ngày đầu độc lập nơi đây tổ chức lớp học xóa nạn mù chữ. Những đóng góp của miếu Đinh Nguyên và dân làng Tây Sơn đã góp phần vào thành công hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đem lại nền hòa bình cho đất nước.

Vào năm 2003 Miếu được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá.

z5235595668418-e19a42941af357cf11ae2186fead0cb1-1710063557.jpg
Miếu Đinh Nguyên tọa lạc tại xã Thọ An (Đan Phượng - Hà Nội), là nơi hội tụ, lưu giữ các giá trị văn hóa lịch sử của một thiết chế tín ngưỡng làng xã cổ truyền

Kiến trúc tôn nghiêm mà gần gũi

Miếu được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 5 (1903) để thờ vọng Nam Uyên đại vương. Ngôi miếu được tọa lạc trên một thế đất cao đẹp ở làng Tây Sơn, trông về hướng Nam. Phía trước là sân, giếng miếu kiêm sới vật, hai bên sân là nền móng cũ của hai dãy tả hữu mạc, sau lưng là đường làng. Với địa thế “vàng” mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp lưu giữ tất thảy hết linh khí của đất trời góp phần giữ an khang thịnh vượng cho dân chúng. 

Từ đường vào ta gặp nghi môn miếu Đinh Nguyên. Nghi môn miếu được xây dựng theo kiểu nghi môn trụ biểu. Lối đi chính là hai trụ biểu đồ sộ trên đỉnh cột đáp tứ phượng chầu cách điệu hoa dành. Phượng là biểu tượng của vũ trụ, tượng cho sự vận chuyển của bầu trời gắn với truyền năng của thánh nhân.

Qua một sân lát gạch rộng ta tới toà Đại bái của miếu. Nhìn bên ngoài, tòa Đại bái được làm kiểu tường xây với bốn mái chảy. Bờ nóc, bờ dải đắp bờ đinh, bên dưới xây giật cấp đơn giản. Hai đầu bờ nóc đắp hai con makara (rồng lá), chính giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt bằng vôi vữa.

z5235608121680-a80213cc4f1006d3e9caa15170c8a6e4-1710063792.jpg
Tòa Đại bái của miếu Đinh Nguyên 

Vào bên trong, lòng nhà Đại bái được chia làm 5 gian không đều nhau. Ở hàng cột quân tiền có mô hệ thống cửa bức bàn ở gian giữa, hai gian bên là cửa pano hai cánh tạo sự thuận tiện khi sử dụng.

Nhìn chung, các cấu kiện kiến trúc tại Đại bái chủ yếu được bào trơn, đóng bén, tạo gờ chỉ và chạm hoa văn lá lật theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn. Phía sau là 3 gian hậu cung, nối với đại bái thành hình chuôi vồ. Hậu cung được thiết kế đơn giản, các bộ vì bên trong cung được làm tương tự như các bộ vì tòa Đại bái, bên dưới có quá giang trốn hàng cái cột. 

Trong cung, ở gian thứ ba có làm một bệ thờ nhị cấp xây bằng gạch, trát vôi vữa với các đường gờ chỉ nổi trang trí. Trên đó đặt cỗ long ngai bài vị thờ đức thánh Nam Uyên cùng các đồ thờ tự khác như: hòm sắc phong, bát hương, đài nước, mâm bồng, ngũ sự…

Sau thời gian dài tồn tại, trước bao thử thách của thiên nhiên, miếu bị hư hỏng một số phần, sắp tới nhờ có sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, các cơ quan văn hóa và toàn thể nhân dân xã Thọ An, miếu Đinh Nguyên sẽ được trùng tu, tôn tạo làm mới nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn hồn cốt của kiến trúc di tích cũ.

z5235595688060-f44cf7ab6fbb57d7fb9b2e0b73b5d9cb-1710063557.jpg
Di sản vật thể miếu Đinh Nguyên

Thu hút khách thập phương vào những ngày lễ

Hằng năm, vào ngày 12-14 tháng Giêng âm lịch miếu Đinh Nguyên lại thu hút hàng trăm đoàn khách từ thập phương đến dự lễ hội. Lễ hội tổ chức tưng bừng gồm các nghi thức tế lễ, dâng hương, đánh vật,… Trong các ngày này mỗi gia đình trong làng làm cơm canh, xôi gà ra miếu lễ thánh, xong xin lộc về cho con cháu, họ hàng, bạn bè thụ lộc. 

Hội vật diễn ra từ ngày 06 đến hết 13 tháng Giêng, có năm từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Giêng. Hội vật cổ truyền diễn ra thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người khắp nơi đổ về cùng nhau tranh tài, giải đấu thực sự đã trở thành món ăn tinh thần với người dân địa phương. Ngoài ngày lễ lớn vào tháng Giêng Miếu Đinh Nguyên còn có lễ kỷ niệm ngày sinh của đức thánh vào 12/8.

z5235595708220-c28a82e7c4f585daf9755e97d09d4f5f-1710063557.jpg
Hội vật truyền thống tại miếu Đinh Nguyên thu hút hàng trăm đoàn khách tứ phương

Có thể thấy rằng, để bảo vệ và giữ vững những truyền thống quý báu mà ông cha ta để lại, người dân Thọ An cũng như các cấp lãnh đạo chính quyền đã tích cực gìn giữ, công đức nhằm tôn tạo lại những kiến trúc bị mối mọt qua thời gian. Miếu Đinh Nguyên sẽ góp phần tạo nên tuyến tham quan du lịch rất có giá trị đối với những người quan tâm tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc.

Minh Huế - Hoàn Trần
Bạn đang đọc bài viết "Miếu Đinh Nguyên - Nơi hội tụ linh khí đất trời" tại chuyên mục Đời sống. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036