"Ngôi nhà của pin" - Mô hình trao đi pin cũ, nhận cuộc sống xanh

15/04/2024 08:05

Theo dõi trên

“Ngôi nhà của pin” - một mô hình thu gom pin cũ để tái chế, xử lý đang được triển khai ở nhiều khu phố, chung cư tại Thủ đô hiện nay được nhiều người hưởng ứng tích cực.

Tác hại của pin thải với môi trường

Pin là vật dụng quen thuộc, không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Trong pin có chứa các kim loại nặng như chì, kẽm, cadmium và thủy ngân. Pin vứt đi nếu không được phân loại và xử lý đúng cách có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.

Chính vì thế, việc xử lý pin đã qua sử dụng không giống rác thông thường. Hầu hết chúng ta sau khi sử dụng pin xong đều sẽ vứt vào thùng rác chung với các loại rác thải sinh hoạt. Sau đó, chúng được đưa đến các bãi rác để xử lý.

436536775-3777366845824657-2370227411151651248-n-1713164152.jpg
Pin cũ cần được phân loại với rác thải sinh hoạt khác

Nếu pin chỉ được chôn lấp dưới đất và bắt đầu phân hủy tại các bãi rác, các hóa chất trong pin có thể ngấm xuống đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Nếu xử lý bằng cách đốt thì các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, hay chất độc còn dư lại trong tro sẽ gây ô nhiễm không khí. 

“Ngôi nhà của pin” - Mô hình ý nghĩa cần nhân rộng

Hiện nay, việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải, đặc biệt là các loại rác thải điện tử, có nguy cơ gây hại như pin chưa thực sự được chú trọng. Từ thực trạng đó cùng với việc nhận thức được những tác hại từ pin cũ đối với môi trường và sức khỏe con người, một số tổ dân phố, chung cư ở thủ đô Hà Nội đã triển khai xây dựng những “Ngôi nhà của pin” để thu gom pin cũ và chuyển đến những điểm xử lý pin tập trung.

436540083-905934594662023-5599719902819435247-n-1713164152.jpg
"Ngôi nhà của Pin" - Mô hình thu gom pin thải để bảo vệ môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó các nhà sản xuất, nhập khẩu pin sử dụng một lần đóng góp (1% doanh thu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn, trong đó có pin.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải. 

Theo các chuyên gia, các định hướng chính sách và quy định pháp luật về quản lý pin nói chung chưa được đề cập nhiều. Do đó, việc  phân loại, thu gom và xử lý pin cũ hiện nay cần phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng bằng các chính sách, quy định cụ thể và tuyên truyền mạnh mẽ tới người dân. 

Bên cạnh đó, người dân cũng cần thay đổi từ những thói quen nhỏ, như không để chung pin với các loại rác thải sinh hoạt khác; bỏ những thỏi pin đã qua sử dụng vào một chiếc lọ thủy tinh sạch rồi mang tới điểm tái chế… Mỗi hành động nhỏ của chúng ta ngày hôm nay đều góp một phần vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường sống của chúng ta trong tương lai.

Quỳnh Trang
Bạn đang đọc bài viết ""Ngôi nhà của pin" - Mô hình trao đi pin cũ, nhận cuộc sống xanh" tại chuyên mục Người tốt việc tốt. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036