Chỉ ít ngày sau phản ánh, Phòng TNMT huyện Đan Phượng, Hà Nội đã lập tờ trình, báo cáo UBND huyện Đan Phượng. Lãnh đạo huyện cũng khẩn trương ký quyết định thanh tra việc quản lý, sử dụng đất công và công tác bảo vệ môi trường đối với nhiều trang trại chăn nuôi.
Xã Trung Châu, huyện Đan Phượng với hàng trăm trang trại chăn nuôi lợn chưa có đầy đủ pháp lý, thiếu biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định, xả chất thải xuống dòng sông Hát khiến nhiều hộ dân ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ sống gần đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngày 27-3, trao đổi với Người đưa tin TV, lãnh đạo Phòng TNMT huyện Đan Phượng cho biết: Sau khi báo chí phản ánh, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành Quyết định số 1627 ngày 15-3-2023 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành “kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất công do UBND xã quản lý, công tác bảo vệ môi trường tại khu sông Hát, xã Trung Châu”.
Đoàn kiểm tra do ông Bùi Văn Hoa, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện làm Trưởng đoàn, phối hợp với các đơn vị liên quan như: Thanh tra huyện, Phòng Kinh tế huyện và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế - Ma túy - Môi trường CA huyện Đan Phượng.
Ngày 20/3, Đoàn thanh tra đã làm việc với UBND xã Trung Châu và yêu cầu xã kiểm tra, làm rõ nguồn gốc, quá trình cho thuê thầu đối với thửa đất số 151; 277 tờ bản đồ số 29 trên địa bàn và công tác bảo vệ môi trường; báo cáo Đoàn kiểm tra trước ngày 23/3/2023. Tuy nhiên đến nay phía UBND xã Trung Châu chưa gửi báo cáo.
Ông Hoa cho biết thêm, đối với hàng trăm trang trại chăn nuôi còn lại, Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu xã phải báo cáo về nguồn gốc sử dụng đất, công tác bảo vệ môi trường và phương án xử lý vi phạm (nếu có).
Ngày 27/3, trao đổi với Người đưa tin TV, ông Đỗ Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Châu, huyện Đan Phượng cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh, UBND xã đã vào cuộc kiểm tra và xác định trên địa bàn xã có khoảng 300 hộ chăn nuôi lợn, xã đang làm báo cáo gửi cho Đoàn kiểm tra của huyện. Đối với 3 trang trại chăn nuôi ven sông Hát là đất do UBND xã cho thuê thầu, đã hết hạn từ năm 2022, hiện xã đã vận động và 2 gia đình đã tự tháo dỡ chuồng trại, nạo vét các kênh rạch để vệ sinh môi”.
Đối với khoảng 300 trang trại còn lại, UBND xã đang rà soát các trang trại còn lại để có phương án khắc phục, đảm bảo môi trường.
Việc tăng gia sản xuất, chăn nuôi là góp phần phát triển kinh tế tại mỗi làng quê, nhất là khi chăn nuôi là nghề “mũi nhọn” tại địa phương. Thế nhưng để phát triển bền vững thì việc phát triển kinh tế phải song song với công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Người đưa tin TV đánh giá cao tinh thần tiếp thu, khẩn trương xử lý vấn đề báo chí phản ánh của UBND huyện Đan Phượng và UBND xã Trung Châu. Đây là yếu tố tiên quyết để công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi ở địa phương đạt hiệu quả cao. Người đưa tin TV sẽ tiếp tục đồng hành và thông tin kết quả xử lý liên quan.