Ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi vùng ngoại thành Hà Nội: Phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu

01/03/2023 17:12

Theo dõi trên

Hiện nay, tại khu vực ngoại thành của Thủ đô Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trại lợn diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân một phần là chủ các cơ sở chăn nuôi thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, nguyên nhân khác là cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm giám sát, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.

Qua nghiên cứu và tìm hiểu, tại các vùng nông thôn ở TP Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trang trại lợn đang ngày càng nghiêm trọng. Để có lợi nhuận cao mà không phải đầu tư lớn, nhiều chủ cơ sở, trang trại đã bất chấp các quy định của pháp luật, hủy hoại môi trường, gây ra nhiều hệ lụy và nhức nhối trong an sinh xã hội.

Tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội có khoảng 20 trang trại lợn xả thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các trang trại ở đây được xây dựng một cách tạm bợ, không có hệ thống xử lý chất thải theo quy định.

Còn ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội, xuất hiện nhiều trại lợn xả thải gây, ô nhiễm môi trường, chất thải chưa qua xử lý được xả trực tiếp ra môi trường, thậm chí chảy ra cả đường đi, khiến người dân vô cùng bức xúc. Để giảm thiểu ô nhiễm, người dân buộc phải đóng kín cửa nhà suốt ngày đêm, nhưng dường như giải pháp này không phát huy được hiệu quả.

Tương tự, theo phản ánh của người dân, nhiều năm qua trang trại chăn nuôi lợn liên doanh giữa ông Nguyễn Xuân Dũng với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (trại Diệp) ở thôn Hương Canh, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở xung quanh như xả thải chất thải ra con suối chảy vòng quanh xã, mùi hôi thối từ trại lợn phát tán ra dân làng xung quanh.

tiktok00-06-05-16still006-1677643915.jpg
Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trang trại nuôi lợn ở ngoại thành Hà Nội đang ngày càng nghiêm trọng

Nhiều người dân sống tại thôn 7, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội cũng đang phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường từ những chất thải lỏng đổ ra con sông Đáy đoạn giáp ranh với xã Trung Châu, huyện Đan Phượng. 

Màu nước đen kịt, mùi hôi nồng nặc, ruồi nhặng khắp nơi, tiềm ẩn nhiều ô nhiễm và bệnh tật.

Theo người dân, tình trạng ô nhiễm này đã xảy ra từ nhiều năm nay và đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa được xử lý. Khiến cho tình trạng này đe dọa đến môi trường sống của họ ngày càng nghiêm trọng.

Người dân thôn 7, xã Hát Môn, bức xúc: “Nếu đi ngang qua phải bịt mũi và khẩu trang để chạy cho nhanh, chứ không chịu được mùi hôi. Nói về dịch là mang từ sông này lên, tôi khốn khổ với chăn nuôi rồi, bây giờ tôi phải bỏ. Lợn chết lẽ ra phải tiêu hủy, đây lại mang ném xuống sông”. 

z4140150661568-2a6500d24dfb3d00b8fcf326ab7ef4eb-1677424984.jpg
Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước từ các trại lợn bên kia sông (thuộc xã Trung Châu, huyện Đan Phượng)

Nguyên nhân ô nhiễm, được người dân cho biết, kể từ khi xuất hiện cụm trang trại nuôi lợn bên kia sông (là địa bàn xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân nơi đây.

Nguyễn Văn Ký, Trưởng thôn 7, xã Hát Môn, cho biết: “Ô nhiễm của dòng sông này bắt nguồn từ các trại lợn bên kia sông, người ta xả thẳng xuống sông này, màu nước rất đen. Chúng tôi kiến nghị rât nhiều lần rồi, nhưng đến bây giờ chưa có đơn vị nào phải hồi để giải quyết cả, bên này là của Phúc Thọ, bên kia sông là của Đan Phượng, 2 xã và 2 huyện khác nhau nên việc giải quyết chưa đến đâu cả”.

z4140150691662-355158e0aa18e0ec57f52bc6c536cb79-1677424984.jpg
Ông Nguyễn Văn Ký, Trưởng thôn 7, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỏ ra bức xúc khi ô nhiễm kéo dài nhưng không được cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết

Ghi nhận của PV tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, khu vực đất nông nghiệp rộng vài hecta, giáp ranh với xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, xuất hiện nhiều trại lợn với quy mô lên đến hàng nghìn con. Nước thải từ các trại lợn được thải chung vào một kênh mương, hướng thoát nước ra phía sông Đáy.

z4140150697079-4bb7c33becd03ff3eb847d2a79e128a8-1677424984.jpg
Nước thải từ các trại lợn ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng được thải chung vào một kênh mương, hướng thoát nước ra phía sông Đáy

Trao đổi với PV, ông Đỗ Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, khẳng định, các trại lợn này đều không có giấy phép đủ điều kiện chăn nuôi và thừa nhận có tình trạng xả thải ô nhiễm ra môi trường từ các trại lợn trên địa bàn. 

Nước ở hầm biogas thải ra thì bao giờ nó cũng đen, toàn bộ nước đấy làm sao có hệ thống xử lý chung được, nên tình trạng xả thải ra môi trường thì cũng có. Nhưng bây giờ không cấm được. Địa phương cũng là xã sản xuất nông nghiệp là chính, không có công nghiệp, nên rất hạn chế việc phát triển kinh tế, nên việc người ta nuôi lợn cấm thì cũng không được”, ông Thành thông tin với phóng viên.

Theo như lời ông Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Châu, thì xã đang tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế, nhưng rõ ràng các trang trại lợn ở xã Trung Châu đã bất chấp, coi thường quy định Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… 

z4140150711927-2d9cec7e3708cda321ebf8424cee3a20-1677424984.jpg
Màu nước đen kịt, bốc mùi hôi thối

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhấn mạnh: “Không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Theo Luật Bảo vệ môi trường, quy định tại điểm đ, khoản 3, điều 168, UBND cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm: Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền…

Việc chính quyền địa phương không báo cáo, xử phạt kịp thời có dấu hiệu “Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường”, được quy định tại Điều 6, Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 161, Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định rõ: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Phong Hào

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036