Sau khi nhận được tin người dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan báo phát hiện một sập đá nghi là di vật cổ, Sở Văn hóa và Thể thao cùng Bảo tàng tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thành lập đoàn công tác đến làm việc và khảo sát tại thực địa. Quá trình khai quật đã xuất hiện toàn bộ di vật cổ là sập đá được tạo tác liên khối, nằm sâu dưới mặt đất ruộng canh tác hoa màu của nhân dân địa phương. Sập được tạo tác từ đá xanh nguyên khối, được làm kiểu "chân quỳ dạ cả”, xung quanh sập chạm khắc trang trí nhiều họa tiết hoa văn như rồng chầu, hoa thị, hoa cúc cách điệu… Đây là sập đá rất có giá trị phục vụ việc tế lễ. Sập có niên đại thời Lê Trung Hưng (1533-1789). Phong cách tạo tác tổng thể cũng như trang trí các đồ án hoa văn rất giống các sập đá ở đền thờ Vua Đinh, Vua Lê (thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư).
Sập đá có niên đại thời Lê Trung Hưng (1533-1789) rất có giá trị phục vụ việc tế lễ. |
Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình cho biết: "Ở Ninh Bình, vùng Nho Quan, đặc biệt là Gia Thuỷ và Xích Thổ phát hiện rất nhiều dấu tích, chúng tôi những cơ quan chức năng của địa phương đang nghiên cứu, khảo sát, tìm tòi để phát hiện thêm về những tư liệu, dấu tích xung quanh văn hoá, nghị sở của thời kỳ trước phong kiến tự chủ tại Việt Nam chúng ta".
Mộ gạch cổ ở thôn Mỹ Hạ có niên đại thế kỷ III sau Công nguyên. |
Đồ tùy táng được đưa về bảo quản ở Bảo tàng Ninh Bình. |
Trước đó, Bảo tàng Ninh Bình cũng phát hiện và khai quật mộ gạch cổ nằm ở phía Tây Bắc Trường tiểu học Gia Thủy, giáp đình Mỹ Hạ thờ vua Đinh Tiên Hoàng, lập nước Đại Cồ Việt, là Nhà nước Trung ương phong kiến tập quyền đầu tiên ở nước ta và thờ thân mẫu của vua, thuộc thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Ngôi mộ này đã từng bị xâm phạm. Cấu trúc mộ có dạng tiền thất và hậu thất. Về kỹ thuật xây dựng: người xưa xếp gạch theo dạng bên dưới hình cũi chữ nhật, bên trên cuốn vòm, hình thành bên trong long mộ là các gian phòng hình chữ nhật. Các nhà khảo cổ học nhận định, mộ gạch ở thôn Mỹ Hạ có niên đại thế kỷ III sau Công nguyên, ghi nhận nơi đây đã từng xuất hiện một trung tâm quyền lực từ thời văn minh Việt cổ.
Bảo tàng Ninh Bình đã khai quật và đưa đồ tùy táng về bảo tàng bảo quản và phát huy giá trị di sản.