Ở đâu đó vẫn còn tồn tại những cán bộ chất lượng kém, kiến thức pháp luật hạn chế, lại thêm tư duy nhũng nhiễu, hành dân, khiến người dân muôn phần khó khăn khi liên hệ giải quyết hành chính, đặc biệt về lĩnh vực đất đai.
Anh Nguyễn Văn Kiểm (trú tại xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) được UBND huyện Ứng Hoà cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 27/6/2003 cho thửa đất thuộc tờ bản đồ số 05, số thửa 558, diện tích 83 m2, loại đất: thổ cư, thời hạn sử dụng: lâu dài. Do gia đình xảy ra biến cố, anh Kiểm đã làm thất lạc Giấy chứng nhận nên đã liên hệ cơ quan chức năng để làm thủ tục xin cấp lại sổ đã mất.
Đây là một thủ tục khá đơn giản và phổ biến, đã được quy định và hướng dẫn chi tiết tại Luật Đất đai, cũng như Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Thông tư 24 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể:
Theo Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục cấp lại sổ đỏ bị mất được quy định như sau:
Bước 1: Khai báo về việc mất sổ đỏ
Khi phát hiện sổ đỏ bị mất, hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải đến UBND cấp xã nơi có đất để khai báo về việc bị mất sổ đỏ. UBND cấp xã sẽ niêm yết thông báo mất sổ đỏ tại trụ sở UBND cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.
Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị cấp lại sổ đỏ
Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất sổ đỏ tại trụ sở UBND cấp xã hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, người bị mất sổ đỏ nộp 01 bộ hồ sơ như đã nêu ở mục 2 để đề nghị cấp lại sổ đỏ.
Ông Kiểm đã thực hiện đầy đủ 2 bước này tại UBND xã Hoa Sơn. UBND xã đã niêm yết công khai Thông báo về việc công khai hồ sơ mất Giấy chứng nhận. 30 ngày sau, UBND xã tiếp tục ban hành Biên bản kết thúc công khai hồ sơ mất Giấy chứng nhận.
Theo khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/05/2014 thì hồ sơ cần chuẩn bị khi thực hiện thủ tục cấp lại sổ đỏ gồm có:
– Đơn đề nghị cấp lại sổ đỏ theo Mẫu số 10/ĐK
– Giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận.
– Ngoài ra, cần chuẩn bị thêm bản sao chứng thực giấy tờ tuỳ thân.
Ông Kiểm cùng người đại diện uỷ quyền chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định. Và từ đây hành trình khốn khổ của ông Kiểm và “quy trình sách nhiễu” của cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Ứng Hoà (gọi tắt là Chi nhánh Ứng Hoà) bắt đầu.
Theo quy định pháp luật, Chi nhánh Ứng Hoà phải tiếp nhận hồ sơ vào sổ theo dõi và cấp sổ đỏ cho công dân không quá 10 ngày làm việc (nếu đủ điều kiện) hoặc hướng dẫn công dân bổ sung hồ sơ (nếu thiếu thành phần).
Tuy nhiên, cán bộ Chi nhánh Ứng Hoà không thực thi theo pháp luật, mà thực hiện hành vi trái luật, đó là yêu cầu công dân nộp cả bản gốc “Đơn trình báo mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” và đơn trình báo này phải có cả xác nhận của cơ quan Công an xã. Như đã dẫn luật ở trên, không có quy định nào công dân phải xin xác nhận của Công an xã trong trường hợp này. Ngoài ra, bản gốc đơn trình báo thì UBND xã đã lưu, và ban hành 02 văn bản Công khai và Kết thúc công khai hồ sơ mất Giấy chứng nhận. Cũng không có quy định nào yêu cầu công dân phải nộp bản gốc Đơn trình báo cho Chi nhánh.
Khi công dân phản ứng đây là yêu cầu vô lý, thì cán bộ quay sang lý do đơn xin cấp lại sổ đỏ chưa có thông tin số seri và số vào sổ cấp Giấy chứng nhận yêu cầu công dân làm đồng thời 2 thủ tục hành chính gần tương tự nhau, đó là làm “Hợp đồng cung cấp thông tin” và “Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai”. Dù công dân đã khai báo là không thể nhớ được số seri và số vào sổ, chỉ nhớ được số ô, số thửa, ngày tháng cấp. Đồng thời, công dân cũng cung cấp thêm 1 sổ đỏ “song sinh” (1 thửa đất của bố ông Kiểm tách làm 2 sổ đỏ để chia cho các con), cấp cùng ngày cùng tháng cùng năm, có số ô, số thửa và số vào sổ liền kề với sổ đứng tên ông Kiểm. Cán bộ vẫn phớt lờ, không nhận hồ sơ.
17 ngày sau, công dân quay lại trụ sở Chi nhánh Ứng Hoà lấy văn bản trả lời hợp đồng cung cấp thông tin và nhận kết quả “không có thông tin giấy chứng nhận thửa đất” tại Chi nhánh. Ngay khi nhận văn bản trả lời này, công dân đã bổ sung vào hồ sơ đã thực hiện theo Thông tư 24 đề nghị Chi nhánh Ứng Hoà tiếp nhận hồ sơ và cho giấy biên nhận. Bởi tất cả thông tin về thửa đất và Giấy chứng nhận công dân đã cung cấp, thông tin còn thiếu đã được khai báo, thuộc trách nhiệm nhiệm xác minh, quản lý nhà nước của cơ quan thẩm quyền, cụ thể là Chi nhánh Ứng Hoà, chứ không phải của công dân. Thế nhưng, cán bộ lại “oái oăm” khi yêu cầu công dân phải mang văn bản trả lời của Chi nhánh về UBND xã Hoa Sơn để… tiếp tục niêm yết.
Khi công dân bức xúc phản đối, thì Chi nhánh lại đưa ra một tờ “phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ”, trong đó lại yêu cầu công dân “cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đã mất” !? Trong khi công dân đã làm hợp đồng cung cấp thông tin và ngay chính Chi nhánh cũng trả lời không có, lại yêu cầu công dân phải cung cấp mới nhận hồ sơ là quá sách nhiễu. Điều này đồng nghĩa thủ tục hành chính của công dân đi vào ngõ cụt, vĩnh viễn không thể xin cấp lại Giấy chứng nhận.
Như vậy, công dân và UBND xã Hoa Sơn đã thực hiện đầy đủ các bước cần thiết theo quy định pháp luật. Việc đối chiếu, xác minh còn lại thuộc trách nhiệm Chi nhánh Ứng Hoà, nhưng cán bộ Chi nhánh hoặc là hạn chế hiểu biết pháp luật, hoặc là cố tình hành dân, phức tạp hoá thủ tục hành chính. Việc Chi nhánh Ứng Hoà nhiều lần bất chấp pháp luật, cản trở công dân thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng, cần phải được xem xét xử lý nghiêm túc.
Ngày 18/7/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ứng Hòa, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ”, bắt tạm giam đối tượng Trần Trung Tấn, cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Chi nhánh huyện Ứng Hòa.
Theo đơn tố giác, người dân đến Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Chi nhánh huyện Ứng Hòa làm thủ tục tách 2 "sổ đỏ" thì đối tượng Trần Trung Tấn, cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Chi nhánh huyện Ứng Hòa (người được giao trực tiếp xử lý vụ việc) đã yêu cầu phải nộp 6 triệu đồng tiền "bôi trơn" cho một bộ sổ đỏ. Trước yêu cầu của Trần Trung Tấn, người này xin giảm xuống còn 5 triệu/bộ rồi chuyển khoản 10 triệu đồng cho Tấn và sau 1 tuần thì được nhận sổ.
Tại Cơ quan điều tra, Trần Trung Tấn khai đã nhận 10 triệu đồng của người dân đến làm thủ tục tách "sổ đỏ".
Bài sau: Công khai video cảnh cán bộ sách nhiễu, gây khó khăn cho công dân khi làm thủ tục hành chính