Phúc Lâm Cổ Tự: Chốn thiêng ẩn mình

08/04/2019 10:20

Theo dõi trên

Mùng 1 đến mùng 5 tháng 3 âm lịch hàng năm, du khách thập phương và người dân làng Đồi, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định từ khắp nơi lại tụ hội về Phúc Lâm Tự để cùng dự lễ thỉnh kinh rước nước – một lễ hội truyền thống mà không nhiều nơi còn giữ được.

Phúc Lâm Tự (hay thường gọi là chùa Đồi) tọa lạc tại phía Đông Bắc xóm 1 (tức làng Đồi), xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Tương truyền chùa đã được xây dựng cách đây khoảng gần một ngàn năm. 

img2322

Lễ hội diễn ra tại chùa Đồi vào ngày mùng 1 đến mùng 5 tháng 3 âm lịch hàng năm

Chùa Đồi gắn liền với sự tích 99 giếng đá cổ và truyền thuyết hai bà vợ đô đốc thủy quân Lê Hồng Quốc cùngđại thần triều Lê - Thắng Nghiêm Quan xây dựng, trùng tu và khai sáng ngôi chùa. Đặc biệt, sử sách và người trong vùng cho biết, tại nơi đây, vào lần giáng sinh thứ nhất, chúa Mẫu Liễu Hạnh đã an cư, phụng Phật lúc cuối đời.

anh chup man hinh 2019 04 08 luc 010742

Một trong số những giếng đá cổ còn lại

a

Bia đá cổ ghi lại quá trình hình thành của chùa

Xa xưa, Phúc Lâm Tự là ngôi chùa lớn nhất vùng, rộng 36 gian, được làm hoàn toàn từ gỗ lim. Trải qua thăng trầm lịch sử, chùa cổ gần như mất hẳn dấu tích, tượng Phật và phần lớn tháp mộ các sư. Mãi đến năm 2008, được sự ủng hộ của nhân dân, chùa Đồi đã được khởi công xây dựng lại trên một phần của nền đất cũ và được bảo tồn tới nay.

f
Những tòa tháp nghìn năm tuổi
c
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, hiện nay chỉ còn lại số ít tòa tháp cổ trong khuôn viên chùa
d
 

Hàng năm, cứ vào mùng 1 đến mùng 5 tháng 3 âm lịch, người dân làng Đồi bắt đầu khai hội với nhiều nghi lễ, đặc biệt là lễ rước Mẫu Liễu Hạnh lên chùa Đồi thỉnh kinh, cầu quốc thái dân an, thái bình thịnh trị. Sau đó là lễ rước nước từ sông Đáy cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Bên cạnh nghi lễ chính, hội còn thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương với nhiều trò chơi dân gian như bắt lợn, kéo co, chọi gà, hát văn…

Ông Nguyễn Quang Trung - Nguyên Bí thư đảng ủy xã Yên Đồng cho biết: "Chùa Đồi có từ rất lâu rồi, tương truyền cách đây khoảng 2000 năm. Qua lễ hội này, BTC muốn gửi gắm cho thế hệ con cháu giữ lấy cái đức của con người, phát triển sản xuất kinh tế, nâng cao đời sống, gìn giữ bảo vệ non sông đất nước".

img2320
Lễ thỉnh kinh rước nước là nghi lễ gắn liền với việc thờ Tứ pháp rất ít nơi có

Sư cô Thích Đàm Khánh - Trụ trì chùa Đồi: "Ý nghĩa lễ thỉnh kinh rước nước là ngày xưa, chùa Đồi thờ Tứ pháp: Pháp vân, Pháp vũ, Pháp lôi, Pháp điện nên mới có lễ rước nước là nước cầu mưa. Tâm nguyện của nhà chùa là sau này khôi phục lại thờ Tứ pháp để lễ hội ngày một tốt đẹp hơn".

Anh Trần Công Thắng - Người dân làng Đồi: "Lễ hội đã gắn liền với cuộc sống của mình từ thuở nhỏ. Từ khi sinh ra và lớn lên, mình đã được sống trong không khí của lễ hội. Với tư cách là một người con của làng cũng là một người trẻ, mình mong muốn mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ hãy dành thời gian, tình cảm để xây dựng quê hương - nơi mình đang sinh sống, bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa còn mãi với thời gian".

Người dân nơi đây cho biết, Phúc Lâm Tự cầu con rất linh nghiệm. Với ý nghĩa lịch sử gắn liền với một trong tứ bất tử của dân tộc cùng nhiều di tích hàng nghìn năm tuổi, chùa Đồi rất cần sự nhất tâm chung tay của chính quyền, nhân dân địa phương và du khách thập phương để gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống, phục dựng lại đền thờ Tứ pháp gắn liền với lễ rước nước như vốn có.

Bích Hà
Bạn đang đọc bài viết "Phúc Lâm Cổ Tự: Chốn thiêng ẩn mình" tại chuyên mục Đời sống. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036