Sau một thời gian dài theo dõi, thâm nhập thực tế hoạt động kinh doanh khí hoá lỏng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Người đưa tin TV ghi nhận vài chục ngàn bình gas của các doanh nghiệp từ Bắc đến Nam bị “giam giữ" trái pháp luật tại một số kho gas tự phát tại tỉnh Hà Giang. Đi sâu tìm hiểu, Người đưa tin TV phát hiện một thủ đoạn rất mới của một số đơn vị kinh doanh gas nhằm mục đích cạnh tranh thiếu lành mạnh, với mục tiêu “tiêu diệt" đối thủ hoạt động cùng lĩnh vực.
Hai kho chứa bình gas mà phóng viên phát hiện cách nhau chừng 15km, có nhiều dấu hiệu bất minh và rất khó để tiếp cận. Điểm chung của các kho chứa bình gas này là đều rộng hàng ngàn m2 và luôn kín cổng cao tường, nằm ẩn sau những lùm cây lớn, và đều có nguy cơ cao về cháy nổ.
Trong đó, một kho có địa chỉ tại thôn Tân Đức, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên; một kho ở tổ 13, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Sau khi thu thập đủ tài liệu, chứng cứ, Người đưa tin TV đã liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, đồng thời có loạt bài phân tích những dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hai kho gas nói trên.
Cục QLTT tỉnh Hà Giang đã vào cuộc xác minh, bước đầu xác định tang vật là vài chục ngàn bình gas của nhiều nhãn hiệu khác nhau. Các đối tượng đã đối phó bằng cách gây khó khăn cho cơ quan chức năng như đóng cửa, tắt điện, bất hợp tác, đưa số tang vật trên rơi vào tình trạng vô chủ. Điều này gây nhiều khó khăn cho các đơn vị nghiệp vụ của Cục QLTT tỉnh Hà Giang.
Qua thông tin báo chí, nhiều chủ sở hữu của số tang vật trên đã từ các tỉnh thành di chuyển về Hà Giang để trình báo tới cơ quan chức năng, với mong muốn được nhận lại tài sản bị chiếm giữ trái phép. Nguồn tin từ cơ quan chức năng cho hay, tang vật phát hiện là các bình gas với số lượng khoảng 26.000 bình. Số bình này trị giá khoảng 15-16 tỉ nếu sản xuất mới, nếu tái sử dụng thì trị giá cũng lên tới 5 - 6 tỉ đồng. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bình gas hợp pháp rất bức xúc vì tài sản của mình bị “giam giữ” trái phép, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Quá trình xác minh, xử lý, Cục QLTT tỉnh Hà Giang bị một số đối tượng gây khó khăn, nhằm tạo sức ép lên quá trình xử lý. Với tinh thần quyết tâm xử lý vi phạm, không để tồn tại “vùng cấm", ông Vũ Quốc Khánh, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hà Giang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phải vào cuộc quyết liệt. Cục QLTT cũng đề nghị phối hợp với CA tỉnh Hà Giang, UBND thị trấn Vị Xuyên, UBND xã Đạo Đức để xử lý vụ việc.
Trước sự vào cuộc của liên ngành, trong đó có sự phối hợp hiệu quả của lực lượng công an, một số cá nhân và tập thể đã bị đánh nhụt ý chí chống đối, buộc phải hợp tác để đoàn liên ngành làm việc.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra các khó gas, tiến hành kiểm đếm và phân loại được 79 chai LPG chủng loại nhãn hiệu khác nhau, với số lượng 26.188 chai LPG (loại chứa khí 12kg và 45kg), mang nhãn hiệu của nhiều thương hiệu gas từ Bắc đến Nam như: Thăng Long Petro, TL Gas Thang Long, Petrodec, Vạn Lộc gas, Vạn Lộc petro, Vạn Lộc Y- bái, Vạn Lộc T- Quang, Hải Linh, Hoàng Long gas, Hoàng Ân petro, Hà Nội Gas, Hà Nội Petrol, Ha Tinh Petrol, TPH PETRO, Petro Hồng Hà, PETRO THAI LAI, Petrol Thiên Long, PHU HOANG LONG PETROL, PETRO HONGVIET, PEROTAL, PETRO TAI LOC PHUC THAI GAS, PETROL VIETNAM, Petrolimex, DAI HAI PETROL, DAI LONG PETROL, ĐAI LOC GAS, Sellan Gas, SH PETROL, SheHVL Gas, SHeH-VIP, An Bình Thanh Petrol, AVANLON GAS, ASIA PETRO, Aseamgas, Anpha Petrol, ALADIN, AD Petrol, Gazdatviet, Gia Dinh gas, GP Petrol, Gas HLP Petrol, NEW AB PETROL GAS, NB PETROL, CD PETROL, TN PETROL, Bac Dai An petro, Bac Thai Gas, VENUS PETROL, VENS PETRO GAS, VIET THAI GAS, VIET BAC, PETROL VM GAS, VINA PETROL, MINH PHU GAS, MAGIC SLAME, F PETROL GAS, LINH GAS, DONG TUNG GAS.
Căn cứ kết quả thẩm tra và các tài liệu liên quan, Cục QLTT xác định, cửa hàng gas Đông Tùng (chủ hộ kinh doanh là Nguyễn Thị Hanh) ở số 108 đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Phú, TP Hà Giang là đơn vị đã “giam giữ” hàng chục ngàn bình gas thuộc sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Thủ đoạn để “giam bình" là: cửa hàng gas Đông Tùng “bắt tay" với với một số cửa hàng gas khác có quan hệ hợp tác kinh doanh với các thương hiệu sở hữu bình gas, cùng xác lập một số hợp đồng ký gửi bình gas nhằm hợp thức hóa việc “giam giữ” bình gas của các thương hiệu sở hữu.
Sau quá trình thẩm tra kỹ lượng, lực lượng QLTT xác định: Việc cửa hàng gas Đông Tùng cùng với các cửa hàng gas Hà Tác (ở tổ 13 Thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái do bà Lưu Thị Hà làm chủ), cửa hàng gas Thành Uyên (do ông Phan Xuân Thành ở đường Quang Trung, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang làm chủ), cửa hàng gas Kiều Sâm (ở xóm phố Lang Quán, xã Thắng Quân, Yên Sơn, Tuyên Quang do ông Nguyễn Quang Kiều làm chủ), cửa hàng gas Anh Dinh (ở Thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, do ông Nguyễn Văn Dinh làm chủ), cửa hàng gas Liêm Ngần Căn (ở thôn Thanh Tương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, do ông Nguyễn Trọng Liêm làm chủ) có hành vi chiếm giữ chai LPG của các thương nhân kinh doanh LPG mà không có hợp đồng theo quy định là có dấu hiệu của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 172 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Căn cứ theo Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020, và vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, ngày 4/12/2023, Cục quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã có văn bản số 478 gửi Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hà Giang để cơ quan này tiếp nhận, tiến hành các bước tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 172 Bộ luật Hình sự, người phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù nếu tài sản chiếm đoạt trị giá trên 500.000.000 đồng. Theo ước tính, với số lượng hơn 26 ngàn chai LPG của các doanh nghiệp trên khi sản xuất mới có giá trị khoảng 15 tỷ đồng, còn bình cũ có giá trị khoảng 5 tỷ đồng.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp lâu năm về lĩnh vực gas, việc Cục QLTT tỉnh Hà Giang phát hiện một doanh nghiệp giam giữ trái phép hơn 26.000 chai LPG của nhiều thương hiệu khác nhau là vụ việc rất nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ ở Hà Giang.
Bên cạnh đó, việc vỏ bình gas bị “giam giữ” trái phép trong nhiều tháng không chỉ khiến doanh nghiệp chủ sở hữu hợp pháp bị bị tổn thất nặng nề, sụt giảm sản lượng tiêu thụ và doanh thu mà còn có nguy cơ phá vỡ kế hoạch kinh doanh khi đưa bình gas ra thị trường nhưng không thu lại được vỏ để quay vòng sản xuất.
Ở một khía cạnh khác, trong số tang vật được phát hiện có nhiều bình gas của các thương hiệu gas có trụ sở ở miền Nam, miền Trung, không có thị trường kinh doanh tại các tỉnh miền núi phía bắc. Điều này cũng đặt nghi vấn về khả năng gom bình để tiến hành “cắt tai mài vỏ" nhằm trộm cắp, huỷ hoại tài sản và “hô biến" tài sản của doanh nghiệp khác thành tài sản của mình.
Sự quyết liệt của Cục QLTT tỉnh Hà Giang cho thấy đơn vị này đánh giá mức độ vi phạm trong vụ việc là rất nghiêm trọng. Việc Cơ quan CSĐT CA tỉnh Hà Giang vào cuộc đến đâu, xử lý vụ việc ở mức độ nào sẽ thể hiện quan điểm của đơn vị này với loại hình tội phạm mới phát sinh ở Hà Giang.
Còn nữa...