Kinh tế chia sẻ giúp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hướng tới xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập với xu hướng phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh kinh tế vùng địa phương và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tại Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mô hình kinh tế chia sẻ bắt đầu được đề cập nhiều hơn. Khái niệm “kinh tế chia sẻ” xuất hiện và trở nên phổ biến hơn từ khi Công ty Uber và Grab bắt đầu cung ứng dịch vụ taxi công nghệ. Tiếp đó là sự xuất hiện của hàng loạt các dịch vụ như Go Viet, Be Bike,...
Mô hình này hiện vẫn còn nhiều không gian rộng lớn để phát triển và sẽ lấp đầy những khoảng trống của các thị trường kinh doanh truyền thống hiện tại. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam chưa thực sự phát triển và cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức, rào cản.
|
Trên thực tế, hiện nay cũng xuất hiện mối lo về nguy cơ mô hình kinh tế chia sẻ đang bị biến dạng, không giống mục đích ban đầu. Giờ đây, Uber, Grab được coi là mô hình đầu tư mới, dựa trên nền tảng công nghệ Internet chứ không phải là mô hình kinh tế chia sẻ.
Các mô hình này đang có xu hướng tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng, gây bất bình đẳng đối với các loại hình kinh doanh truyền thống. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của Việt Nam hiện nay hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ. Hiện chưa có khung khổ pháp luật chặt chẽ để quản lý các mô hình hoạt động của kinh tế này.