Ngày 16 tháng 8 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Theo chủ trương, Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã phải căn cứ vào khả năng nguồn vốn của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn huy động và khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người dân để xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới phù hợp, không nóng vội chạy theo thành tích.
Tại huyện Đông Anh, Tp Hà Nội, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền và nhân dân đã phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, tích cực triển khai các cuộc vận động, đẩy mạnh toàn dân đoàn kết xây dựng nông nông mới, đô thị văn minh. Về cơ bản, huyện Đông Anh đã thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần xử lý.
Cụ thể, theo nghiên cứu: trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân thôn Đại Đồng và thôn Mạch Lũng xã Đại Mạch đã đoàn kết một lòng, cùng góp tiền của và công sức làm đường làng, ngõ xóm. Hộ góp ít là 2.000.000 đồng, hộ góp nhiều trên 8.000.000 đồng. Tổng số tiền các hộ dân đã đóng góp là nhiều trăm triệu đồng để làm đường theo chương trình nông thôn mới.
Ông Hà Minh Hiến - Người dân xóm 6 thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch chia sẻ: “Đây là đường xóm tôi, cả xóm bỏ tiền túi ra làm chiều dài hơn 90m, chiều rộng 2m5. Mỗi hộ bỏ ra hơi 2 triệu đồng, đến bây giờ UBND xã bảo đo đạc để hỗ trợ mà chẳng thấy hỗ trợ gì cả. Tôi mong rằng UBND xã sớm có phương án hỗ trợ người dân khi có tiền nông thôn mới đã về”.
Bà Phạm Thị Châm - Người dân thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch cũng cho biết thêm: “Tôi được biết là đã có tiền nông thôn mới, tôi mong rằng các cấp chính quyền hỗ trợ cho dân số tiền dân tự bỏ ra làm đường bao nhiêu năm nay, vừa công sức, vừa là tài chính mà mỗi nhà đóng cũng 7 đến 8 triệu không phải ít. Trước khi cái đường này lụt lội lắm mà dân chúng tôi làm được thế này thì cũng mong chính quyền hỗ trợ cho dân số tiền dân đã bỏ ra”.
Bà Lê Thị Viên - Người dân thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch cho biết: “Theo tôi biết, tiền nông thôn mới về từ 2016, thế nhưng đến hiện tại người dân chúng tôi bỏ tiền ra làm đường vẫn chưa được đồng nào. Người dân cũng chưa được biết là tiền đó sẽ như thế nào giải quyết ra sao, người dân không hề được biết, tôi thấy các nơi khác họ đều được hỗ trợ nhưng chúng tôi thì lại không”.
Người dân cho hay, họ từng được mời đến ký nhận vào một số giấy tờ liên quan đến đã nhận tiền hỗ trợ, dù thực tế đến nay chưa được nhận đồng nào. Điều này khiến người dân bức xúc, có kiến nghị các cơ quan chức năng phải công khai, minh bạch về nguồn tài chính chi phí cho việc xây dựng đường làng, ngõ xóm để dân biết, dân giám sát.
Ngày 24/04/2024, UBND huyện Đông Anh có Văn bản số 941/ UBND-VP yêu cầu UBND xã Đại Mạch rà soát, báo cáo chi tiết kiến nghị của công dân trong đó có nội dung về việc dân đóng tiền để làm đường nông thôn mới.
Để đảm bảo công khai, dân chủ, tránh dư luận xấu trong nhân dân, UBND xã Đại Mạch và UBND huyện Đông Anh cần khẩn trương làm rõ và trả lời cho người dân những khúc mắc đang còn tồn đọng.
Việc công khai, minh bạch vừa thể hiện tinh thần dân chủ, vừa là để dân biết, dân giám sát. Và sự giám sát của nhân dân chính là “liều thuốc” hiệu quả nhất phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.