Theo nghiên cứu, ngày 19/9/2016 huyện uỷ Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá ra Chỉ thị số 06 CT/HU về việc dồn điền đổi thửa lần 3 nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến năm 2017, xã Hoàng Phong của huyện này đã tiến hành xong việc dồn điền đổi thửa, người dân yên ổn làm ăn.
Nhưng đến năm 2019, UBND xã đã thành lập tổ công tác mới để khảo sát lại. Trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập, khiến nhân nhân phải gửi đơn khắp nơi để đòi quyền lợi.
PV người dân: “Năm 2017 theo chỉ thị của xã về dồn điền đổi thửa, anh Tiến (thôn trưởng) đã đứng ra chia ruộng đất cho dân. Tất cả mọi người dân sau khi được chia ruộng không có thắc mắc hay ý kiến gì. Nhưng Ban khảo sát ruộng đất năm 2019 đã dồn những thăm, người ta đã đo xong rồi năm 2017, các anh lại dồn vào vị trí khác. Những hộ năm 2017 đã có đất rồi, các anh lại đo tiếp, chia tiếp cho người ta. Cụ thể có 11 hộ năm 2017 đã có đất nhưng Ban khảo sát của năm 2019 đo tiếp cho 11 hộ ấy. Khu đất vùng chân mạ các hộ vẫn đang làm thì đến năm 2019 Ban khảo sát về lại chia cho nhà anh Hường, dẫn đến tình trạng các hộ làm ở vùng chân mạ không còn đất làm nữa”.
Bà Hoàng Thị Đua, thôn Nam Hội Triều, là gia đình thờ cúng 2 liệt sỹ cũng bức xúc cho biết: “Năm 2019, Chủ tịch xã Hoằng Phong cho người về họp dân và khảo sát lại ruộng đất, đo nhà nào thừa thì lấy ra, nhà nào thiếu thì bù vào, vị trí thăm để nguyên. Thế mà đoàn đo đất năm 2019 rút gọn đất của gia đình tôi cho 3 hộ gia đình khác vào làm”.
Trong văn bản số 1136/UBND-TTr ngày 14/7/2020 của UBND huyện Hoằng Hóa báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả giải quyết đơn của bà Hoàng Thị Đua, xã Hoằng Phong có nội dung : “Theo báo cáo của UBND xã, trong quá trình chia ruộng, do gia đình bà Đua không có mặt tại địa phương, tổ công tác đã liên hệ với gia đình bà về việc chia ruộng theo phương án của thôn, gia đình bà đã thống nhất và nhờ bà Lê Thị Nam – em dâu nhận hộ (có bản tường trình của bà Nam).”
Tuy nhiên khi phóng viên đi tìm hiểu sự việc thì lại là câu trả lời khác.
PV bà Hoàng Thị Đua: “Vừa rồi họp gia đình tôi lên lại chia lại mất 50m2 cho nên là tôi không nhận. Bầu sang đất 10% bên Ná Nam tôi cũng không nhận với lý do là không đủ diện tích. Thứ hai là lấy ruộng của nhà nọ đặt sang ruộng nhà tôi. Tôi không nói sai cũng không thêm bớt”.
Quá trình nghiên cứu vụ việc, PV được ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong, xác nhận: “Bà Đua không thống nhất với phương án chia lại ruộng và cũng không ủy quyền cho em dâu là bà Nam”.
Không chỉ riêng gia đình bà Hoàng Thị Đua, 11 hộ dân nơi đây cũng đã nhiều lần gửi đơn đề nghị UBND xã Hoằng Phong, phản ánh sau khi ruộng đất chia lại năm 2019 thì các hộ này cũng bị thiếu một vài phần diện tích, cũng như việc chia diện tích đất bị chồng chéo giữa các hộ dân.
Mặc dù quy định và chủ trương đã rất rõ, thế nhưng người dân cho rằng Ban chỉ đạo và tổ công tác dồn điền đổi thửa lần 3 do ông Trương Tiến Lên, Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban tại thôn Nam Hội Triều, đã bộc lộ nhiều dấu hiệu không khách quan, mất dân chủ, sai nguyên tắc và có lợi ích nhóm trong vụ việc này.
PV người dân: “Trong việc khảo đất đó thì cán bộ lại tự động chia đảo thăm, chia thiếu đất, thêm các khẩu vào khiến rất nhiều nhà thiếu”.
Một vấn đề khác người dân bức xúc: Ông Trương Văn Hường, là người thuê và mượn đất của 11 hộ làm trang trại từ năm 2001. Giữa ông Hường và các hộ không có hợp đồng công chứng chuyển nhượng. Nhưng không hiểu sao ông Hường lại có hợp đồng thuê đất với UBND huyện, trong khi huyện chưa có quyết định thu hồi đất của 11 hộ dân.
Ở Kết luận số của UBND huyện Hoằng Hóa nêu rõ: Trong quá trình thực hiện, ông Trương Văn Hường đã tự ý xây dựng không đúng quy định. UBND xã cũng đã lập biên bản đình chỉ và xử lý vi phạm hành chính.
Nhiều vấn đề bất cập khác cũng được UBND huyện kết luận, trong đó thể hiện cán bộ thôn, xã có sự gian dối, thiếu trung thực trong công tác dồn điền đổi thửa, thậm chí một lãnh đạo xã cũng dính “lùm xùm” liên quan việc sử dụng đất đai và thi hành công vụ. Chính những điều đó dẫn đến mất đoàn kết nội bộ trong nhân dân, khiếu kiện kéo dài và cần sự vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp, các ngành từ huyện đến tỉnh mới có thể ổn định tình hình, đảm bảo hài hoà lợi ích nhân dân, đặc biệt là củng cố mối đại đoàn kết toàn dân trong quá trình thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa ở địa phương.