Người dân thi nhau xây dựng công trình không phép, chính quyền địa phương thì buông lỏng quản lý. Trong khi đó, UBND TP Hà Nội cũng như UBND quận Bắc Từ Liêm liên tục ban hành các chỉ thị và các kế hoạch nhằm tăng cường quản lý đất nông nghiệp, xử lý vi phạm về đất đai, thế nhưng tại phường Thượng Cát, vi phạm vẫn diến biến phức tạp và nghiêm trọng, dường như vượt quá khả năng kiểm soát của người đứng đầu UBND phường.
Ông Nguyễn Xuân Quyết - Chủ tịch UBND phường Thượng Cát |
Theo tài liệu phóng viên thu thập được, tại khu chợ lâm sản Thượng Cát tồn tại hàng loạt vi phạm, cụ thể:
Về tình trạng sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân: 100% không có quyết định, hợp đồng về việc giao đất, cho thuê đất của cơ quan thẩm quyền, một số trường hợp ký hợp đồng giao khoán vi phạm quy định pháp luật về đất đai.
Cổng vào khu chế biến lâm sản và vật liệu xây dựng Dày Kẻ |
Về xây dựng, 100% công trình không phép, không đúng quy định; 100% tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh không có cam kết và đề án bảo vệ môi trường theo quy định, nhiều trường hợp cũng không có đăng ký kinh doanh theo quy định.
Nghiêm trọng nhất là 100% các tổ chức, cá nhân không có phương án phòng cháy chữa cháy, không trang bị thiết bị phòng cháy hoặc có nơi trang bị nhưng thiếu hoặc không đúng quy định. Đối với chợ lâm sản, các sản phẩm gỗ luôn có nguy cơ cháy rất lớn.
Hàng ngàn m2 công trình nhà xưởng xây dựng trái phép |
Tình trạng trên kéo dài nhiều năm, nhưng UBND phường Thượng Cát đã không thể xử lý dứt điểm. Thậm chí qua mỗi năm lại có nhiều hơn các công trình trái phép mọc lên. Một số văn bản do ông Nguyễn Xuân Quyết, chủ tịch UBND phường Thượng Cát ban hành, mang nặng tính hình thức. Kỳ lạ hơn, là thay vì quyết liệt xử lý các vi phạm, thì Chủ tịch phường Thượng Cát lại báo cáo lên cấp trên, xin chủ trương để hợp thức hoá cho các sai phạm trên địa bàn mình phụ trách.
Thông báo về việc giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và công trình trên đất tại khu chợ lâm sản, phường Thượng Cát |
Không phải mới đây, mà từ rất lâu, ở địa phương đã đồn thổi về cách thức dựng nhà xưởng không phép ở khu vực này. Cụ thể, ai muốn xây dựng thì chi một “khoản bôi trơn” để công trình có thể mọc lên. Tiếp đó, lại “đi cửa sau” để được lập biên bản giữ nguyên hiện trạng, không bị phá dỡ. Bằng cách này, sẽ không bị cưỡng chế tháo dỡ và vẫn có thể sử dụng công trình bình thường. Chiêu trò này được truyền từ người này sang người khác. Trả lời Truyền hình Báo Người đưa tin, ông Nguyễn Xuân Quyết, chủ tịch phường Thượng Cát khẳng định không bao giờ nhận tiền của trường hợp nào để cho tồn tại các vi phạm.
Như vậy là đã rõ, thông tin cho rằng các tổ chức, cá nhân chi tiền để được bỏ qua các hành vi vi phạm, thì ông chủ tịch phường khẳng định không nhận tiền của ai. Đối với việc ông Nguyễn Xuân Quyết xin chủ trương nhằm hợp thức hoá cho các sai phạm, qua cuộc trao đổi, có thể thấy xuất phát từ cái... tâm của vị chủ tịch, lo nghĩ cho sự phát triển của địa phương.
Thế nhưng, lo nghĩ cho các trường hợp vi phạm đến mức thành buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng, thì ông chủ tịch sẽ phải chịu trách nhiệm người đứng đầu. Theo Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 18-3-2019 về quy định quản lý TTXD trên địa bàn Hà Nội, có hiệu lực từ 1-4, thì: “Các cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý TTXD nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm, thì tuỳ theo tính chất, mức độ sai phạm, sẽ bị xử lý hành chính, kỷ luật theo quy định hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Ông Quyết có bị xử lý trách nhiệm hay không và xử lý như thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có câu trả lời chính thức từ UBND quận Bắc Từ Liêm và UBND TP Hà Nội.
(Còn nữa)