Vụ "1m2 đất bằng 2 gói mỳ tôm ở TP Điện Biên Phủ": Cần có phương án hợp lý hợp tình

26/03/2019 16:07

Theo dõi trên

Bị thu hồi và đền bù đất với giá 1m2 đất chỉ bằng giá vài gói mỳ tôm; bị huỷ hoại tài sản khi chưa bàn giao mặt bằng, một số người dân có đất bị thu hồi ở dự án xây dựng Trường tiểu học xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ đã kêu cứu đến Truyền hình Người Đưa Tin.

Theo tìm hiểu của PV, công trình Trường Tiểu học xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ thuộc Dự án chương trình đô thị miền núi phía Bắc – giai đoạn II (2017-2020) được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt vào cuối tháng 10-2015. Đây là dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới WB.

Cty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng Ánh Tuyết làm đơn vị thi công với tổng giá trị công trình là hơn 34,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi dự án triển khai đã vấp phải sự phản ứng từ một số hộ dân do liên quan đến việc quyền lợi chưa được đảm bảo và việc thực hiện dự án chưa tuân theo các quy định pháp luật. Do vậy, dự án đã bị chậm so với tiến độ một thời gian dài. 

Doanh nghiệp “cầm đèn chạy trước ô tô”, huỷ hoại tài sản của người dân

Kết luận Thanh tra số 982/KL-UBND ngày 4-9-2018 do ông Nguyễn Đức Đuyện, Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ ký thể hiện, cuối tháng 7-2017, Cty Ánh Tuyết thi công quá diện tích đất mặt bằng được bàn giao, làm thiệt hại cây cối của các hộ gia đình chưa bàn giao mặt bằng, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến các hộ gia đình đã có phản ứng. Gia đình ông Nguyễn Đức Hạnh bị ảnh hưởng 60%; gia đình ông Nguyễn Mạnh Ngọc bị ảnh hưởng 50%; còn gia đình ông Bùi Văn Sinh bị ảnh hưởng 30% diện tích đất bị thu hồi.

sequence 0200062318still006

Nhiều cây cối của những hộ chưa bàn giao mặt bằng bị thiệt hại

Được biết, sau khi tài sản của các hộ gia đình bị Cty Ánh Tuyến huỷ hoại và di chuyển đi nơi khác, các đơn vị liên quan của UBND TP Điện Biên Phủ đã tổ chức nhiều buổi “hoà giải”, đồng thời thừa nhận một số sai phạm trong quá trình thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến tài sản của công dân. Kết luận Thanh tra số 982/KL-UBND cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm và yêu cầu các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan tự kiểm điểm trách nhiệm. 

Song, đến thời điểm hiện tại, chưa có cá nhân, đơn vị nào bị xử lý. Một số hộ dân trong diện GPMB vẫn phải cầu cứu tới các cơ quan chức năng ở tỉnh Điện Biên với mong muốn được đánh giá, xem xét lại nguồn gốc sử dụng đất để đưa ra được phương án đên bù, bố trí tái định cư, cũng như số lượng tài sản bị đơn vị thi công huỷ hoại và chiếm đoạt. 

1m2 đất bằng... 2 gói mì tôm 

Trường hợp gia đình ông Nguyễn Quốc Hạnh và bà Phạm Thị Bích Hồng bị thu hồi hơn 3.202m2 nhưng chỉ được bồi thường về đất có hơn 39 triệu đồng, tương đương với hơn 12.000 đồng/m2 đất; gia đình ông Nguyễn Mạnh Ngọc được bồi thường về đất 22,235 triệu cho hơn 1.666m2 đất bị thu hồi. Họ cho rằng, đơn giá bồi thường về đất quá rẻ, thấp hơn tới hàng nghìn lần giá đất cùng loại nằm ngoài quy hoạch, không bị thu hồi.

Theo hồ sơ tài liệu, quả đồi này được người dân khai phá, dựng nhà tạm từ những năm 1980, sau đó có sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hơn 20 năm trước. Đáng chú ý, tại khu vực này, người dân cho rằng, cùng có nguồn gốc sử dụng đất giống nhau, nhưng UBND TP Điện Biên Phủ lại cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân với mục đích sử dụng khác nhau. Dẫn đến việc giá bồi thường GPMB khi thực hiện dự án chênh lệch đến cả trăm lần. 

sequence 0200031621still003

Hàng nghìn mét vuông đất được đền bù với giá chỉ bằng vài gói.. mì tôm

Như trường hợp của ông Hạnh và ông Ngọc, năm 2003 nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đất ở, đất rừng và hoa màu) có xác nhận, đóng dấu của UBND xã Thanh Minh và nộp thuế hàng năm theo quy định của Nhà nước nhưng chỉ được UBND TP Điện Biên Phủ cấp “sổ đỏ” là đất trồng cây hàng năm và đất rừng. Trong khi đó, hộ hộ ông Vũ Ngọc Sáng được cấp đất ở đô thị, còn hộ bà Nguyễn Thị Thoa được cấp là đất ở nông thôn. Hai hộ dân này được cấp đất tái định cư khi GPMB.

 Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Sỹ - Phó chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ, kiêm Giám đốc BQLDA WB cho biết: "Dự án này thì cũng đã nêu rồi, trường hợp các hộ gia đình không đồng ý với phương án bồi thường của Thành phố phê duyệt, thì các hộ có quyền khiếu nại, theo quy định của luật khiếu nại. Và trong thời gian giải quyết khiếu nại, các hộ phải chấp hành quy định hành chính của cơ quan có thẩm quyền, còn nếu các hộ không chấp hành, Thành phố sẽ thực hiện theo điều 69,70 của Luật đất đai buộc phải cưỡng chế thu hồi." 

Ông Sỹ còn cho biết thêm: "Gia đình có những phản ánh, kiến nghị như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban đầu không theo quy định pháp luật thì Thành phố cũng đã hướng dẫn, và sẽ trả lời theo quy định của pháp luật."

Chính sự chênh lệch quyền lợi quá lớn là nguyên nhân dẫn đến việc một số hộ dân chưa đồng thuận. Nên chăng, chính quyền địa phương cần căn cứ tình hình thực tế từng hộ dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, để có phương án đền bù, hỗ trợ một cách hợp tình hợp lý. 

Trả lời về vấn đề này, ông Lò Văn Tiến - Chủ tịch xã Thanh Minh cho biết: "Có hộ gia đình đã làm nghĩa vụ tài chính cho nhà nước là chuyển đổi mục đích sau khi nhận chuyển nhượng hoặc trước đó là họ đã chuyển đổi mục đích của chủ cũ rồi, họ tách ra để chuyển nhượng. Nhưng những người chưa làm hợp đồng chuyển nhượng và vẫn để nguyên là đất vườn thì giá trị sử dụng của đất vườn là khác hẳn. Hai vấn đề đấy là rõ ràng."

Bên cạnh đó, thay vì dùng các tổ chức chính trị nơi những người dân chưa đồng thuận đang công tác, để gây "sức ép" buộc nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng, thì chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện chấp hành. Và để người dân tự nguyện, thì trước hết phải đảm bảo quyền lợi cho họ.

Vũ Thuỳ Dương
Bạn đang đọc bài viết "Vụ "1m2 đất bằng 2 gói mỳ tôm ở TP Điện Biên Phủ": Cần có phương án hợp lý hợp tình" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036