Tranh chấp trong một dòng họ 'danh gia vọng tộc': Cần làm rõ nguồn gốc nhà, đất và quá trình chiếm hữu

15/05/2023 15:39

Theo dõi trên

Quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, cũng như thực tiễn tranh tụng tại toà, cho thấy việc xác minh, kết luận nguồn gốc đất, nguồn gốc nhà thờ vẫn là một vấn đề phức tạp, chưa thể ngã ngũ. Một phán quyết thiếu thuyết phục từ cơ quan chức năng có thể đẩy vụ việc đi xa hơn và trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Họ Hoàng ở Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những dòng họ có bề dày truyền thống, thuộc diện “danh gia vọng tộc”, thời nào cũng xuất hiện những cá nhân kiệt xuất, có sức ảnh tưởng tới xã hội Việt Nam. Đến Đông Ngạc bây giờ, khách thập phương không khỏi trầm trồ trước những dấu tích là những nhà thờ cổ của dòng họ, của các chi họ, minh chứng cho bề dày truyền thống của dòng họ này.

Thế nhưng, bên cạnh những niềm tự hào, thì mấy năm nay một vụ việc tranh chấp nhà thờ giữa những hậu duệ của con cháu họ Hoàng lại là câu chuyện buồn trong dòng chảy truyền thống dòng họ.

Theo nghiên cứu hồ sơ, tài liệu:

Nguyên đơn gồm: ông Hoàng Việt Tấn, ông Hoàng Kim Đông, ông Hoàng Chí Cường, ông Hoàng Diễn Tầng, ông Hoàng Kim Đồng. Bị đơn gồm: ông Hoàng Năng Toàn, ông Hoàng Thiệu Toản và bà Hoàng Thúy Khanh.

Các nguyên đơn và bị đơn đều có quan hệ huyết thống họ Hoàng ở Đông Ngạc. Các nguyên đơn khởi kiện với tư cách cá nhân là thành viên họ Hoàng khởi kiện các bị đơn (thuộc Chi 1) để đòi lại nhà đất là nhà thờ Tổ họ Hoàng Đông Ngạc (gồm có 5 chi) thuộc thửa đất 411, tờ bản đồ số 7, diện tích 3402 m2 (tại xóm 3, phường Đông Ngạc – theo trích lục bản đồ 1987). Lý do khởi kiện phía nguyên đơn là: các bị đơn đang sử dụng gồm có nhà thờ được xây gạch khung gỗ lim, lợp ngói rộng 100m2 trên diện tích 3402 m2 có nguồn gốc là nhà thờ Tổ của 5 chị họ Hoàng Đông Ngạc.

Căn cứ của nguyên đơn

Nguyên đơn cho rằng: Cố Hoàng - Nguyễn Thự được con cháu họ Hoàng tôn là Thuỷ tổ họ Hoàng ở Đông Ngạc. Con trai thứ 3 của Cố Hoàng – Nguyễn Thự là cố Tiến sỹ Hoàng Phạm Thạch (tự Tế Mỹ - đời thứ 9) được giao ở khuôn viên nhà đất vì 2 người anmh của cố Mỹ không có con trai đủ điều kiện nối dõi. Cố Mỹ được dòng họ Hoàng - Đông Ngạc tôn là Thế Tổ. Cố Mỹ đã xây dựng trên khuôn viên đất một ngôi nhà cổ với quần thể di tích để thờ ông cha. Cố Mỹ có 5 người con trai đến nay phát triển thành 5 chi họ Hoàng – Đông Ngạc. Nguyên đơn cho rằng trước năm 1995 nhà thờ là nơi cả gia tộc họ Hoàng – Đông Ngạc trong và ngoài nước tổ chức thờ cúng tổ tiên và bàn định các việc lớn của gia tộc. Nguyên đơn cũng cho rằng các bị đơn đã vào khuôn viên nhà đất của nhà thờ Tổ để ở, nên đã yêu cầu các bị đơn phải trả lại tài sản chung của dòng họ Hoàng – Đông Ngạc, giao cho đại diện của dòng họ là ông Hoàng Việt Tấn.  

Bản án sơ thẩm “tranh chấp đòi tài sản” số 39/2021/DS-ST ngày 30-6-2021 của TAND TP Hà Nội (thẩm phán - chủ toạ: bà Ngô Thị Thu Thiện) tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về việc kiện đòi tài sản của dòng họ là nhà thờ Tổ họ Hoàng ở Đông Ngạc đối với ông Hoàng Năng Toàn, ông Hoàng Thiệu Toản và bà Hoàng Thúy Khanh. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Hoàng Năng Toàn về việc xác định nhà đắt của nhà thờ Tổ họ Hoàng là tài sản chung của các anh em ông.

2. Xác định tài sản của dòng họ Hoàng là khu nhà thờ tổ họ Hoàng ở Đông Ngạc gồm có: quyền sử dụng thửa đất số 18, tờ bản đồ số 13, diện tích 3.110m (Bản đồ năm 1994), diện tích đo đạc hiện trạng là 3.044,2m” đất. Và các công trình có trên đất gồm: Cổng lớn cỗ, nhà thờ cỗ, sân gạch, nhà ngang, bể nước... các cây cối trồng trên đất. Buộc gia đình ông Hoàng Năng Toàn, gia đình ông Hoàng Thiệu Toản, gia đình bà Hoàng Thúy Khanh phải di chuyển các công trình đã làm trên diện tích đất của Dòng họ (theo biên bản xem xét thẳm định tại. chỗ ngày 14/5/2021) đi nơi khác để trả lại quyền sử dụng đất cho dòng họ Hoàng ở Đông Ngạc mà đại diện là ông Hoàng Việt Tắn (theo biên bản họp gia tộc năm 1995).

3. Dòng họ Hoàng ở Đông Ngạc mà đại diện là ông Hoàng Việt Tấn có trách nhiệm thanh toán công sức quản lý duy trì, và trồng cây trên diện tích đất của Dòng họ cho gia đình ông Hoàng Năng Toàn, gia đình ông Hoàng Thiệu Toản, gia đình bà Hoàng Thúy Khanh mỗi gia đình tương đương 100 m2 đất; các gia đình tự mở lối đi ra đường làng. Ranh giới mỗi thửa đất được thể hiện trên bản vẽ kèm bản án. Dòng họ Hoàng ở Đông Ngạc mà đại điện là ông Hoàng Việt Tấn có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẳm quyền để làm thủ tục cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất của dòng họ Hoàng ở Đông Ngạc.

Ghi nhận sự tự nguyện của gia đình ông Hoàng Việt Tấn không yêu cầu thanh toán công sức. Các công trình và cây cối đo gia đình ông trồng trên đất, gia đình ông tự nguyện để lại cho dòng họ sử dụng.

Góc nhìn luật gia

Tại các phiên xét xử, nguồn gốc đất và nhà thờ, lịch sử và quá trình sử dụng đã được các bên tranh chấp trình bày chi tiết. Tuy nhiên, trên phương diện tố tụng, các luật sư đã chỉ ra nhiều vi phạm tố tụng của phiên toà sơ thẩm.

Thứ nhất, luật sư phía bị đơn cho rằng tòa án cấp sơ thẩm không thu thập chứng cứ theo yêu cầu của bị đơn: Theo Đơn đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ bản gốc ngày 30/5/2021 (BL 420), ông Hoàng Năng Toàn đề nghị Tòa án thu thập bản gốc các tài liệu chứng cứ, trong đó có “6/ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBHC Hà Nội cấp cho bà Nguyễn Thị Tâm, ngày cấp 1/2/1956, Ông Trần Duy Hưng – Chủ tịch UBHC Hà Nội đã ký tên và đóng dấu”. Tuy nhiên, theo Biên bản xác minh ngày 31/5/2021 (BL 764), Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xác minh, thu thập các tài liệu lưu giữ tại UBND phường Đông Ngạc và không tiến hành xác minh, thu thập “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBHC Hà Nội cấp cho bà Nguyễn Thị Tâm, ngày cấp 1/2/1956” theo đề nghị của ông Hoàng Năng Toàn. Đây là chứng cứ quan trọng, khẳng định quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 5 ngõ 39/32 đường Đông Ngạc, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội có được UBHC Hà Nội giao cho bà Nguyễn Thị Tâm (vợ cụ Hoàng Tích Tộ) sử dụng từ ngày 1/2/1956 hay không. Do đó, việc không thu thập chứng cứ này, dẫn đến không đủ chứng cứ để xét xử vụ án khách quan, đúng sự thật.

Thứ hai, bản án sơ thẩm có nhiều sai sót về tố tụng: Bản án sơ thẩm không chứng minh được nguồn gốc đất là của Dòng họ Hoàng. Các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện Nguyên đơn không có tài liệu nào chứng minh toàn bộ quyền sử dụng 3.110m2 đất là của dòng họ Hoàng. Dòng họ Hoàng không có chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất là của Dòng họ Hoàng.

Thứ ba, phía bị đơn đã xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu: Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét đến giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất và thời gian sử dụng đất liên tục, công khai, không tranh chấp của Cụ Hoàng Tích Tộ. Các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện Nguyên đơn không có tài liệu nào chứng minh toàn bộ quyền sử dụng 3.110m2 đất là của dòng họ Hoàng. Nguyên đơn còn cho rằng, Bị đơn ở nhờ trên phần đất của Dòng họ Hoàng, nhưng không có văn bản nào chứng minh việc Nguyên đơn cho Bị đơn ở nhờ. Ngược lại, Bị đơn cung cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất cấp năm 1956 được UBHC TP. Hà Nội chia ruộng đất mang tên bà Nguyễn Thị Tâm. Ngoài ra, Bị đơn cung cấp và UBND xã Đông Ngạc cũng cung cấp và xác nhận Cụ Hoàng Tích Tộ là người đứng tên trong sổ mục kê các năm 1960, 1987, 1994, đã nộp thuế từ năm 1957 đến năm 2005. Do vậy, Cụ Tộ là người thực tế quản lý, sử dụng 3.110m2 đất liên tục trong 39 năm (từ năm 1957 cho đến năm 1994), không có tranh chấp, sau đó các con cụ Tộ (Bị đơn) đang tiếp tục quản lý, sử dụng đất cho đến nay.

Như vậy, gia đình cụ Hoàng Tích Tộ đã quản lý, sử dụng 3.110m2 đất liên tục, công khai, không có tranh chấp trong thời hạn 39 năm, nên theo quy định tại Điều 236 BLDS năm 2015 - Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”, gia đình cụ Hoàng Tích Tộ phải được công nhận là chủ sử dụng đất hợp pháp.

Cái lý của bị đơn

Bà Hoàng Thuý Khanh nói về nguồn gốc nhà, đất

Sau hàng loạt diễn biến của vụ tranh chấp, các bị đơn và các con, cháu, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đã viết tâm thư “kêu cứu” tới toà án nhân dân cấp cao và các ban ngành chức năng. Chúng tôi xin trích đăng:

"Chúng tôi là: Hoàng Thị Hải Hà, Hoàng Thị Thu Hương, Hoàng Thị Thanh Hằng, Hoàng Điệp, Hoàng Thu Quỳnh, Phạm Xuân Sơn, Phạm Thúy Hạnh, Phạm Thu Thủy, Phạm Hoàng Lâm cùng các con, cháu của các gia đình. Chúng tôi là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự số 27/2021/TLST/DS của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội.

Kính thưa!

Tòa án đang xét xử vụ án: Nguyên đơn là ông Hoàng Kim Đồng, ông Hoàng Việt Tấn, ông Hoàng Chí Cường; Bị đơn là ông Hoàng Năng Toàn, ông Hoàng Thiệu Toản, bà Hoàng Thúy Khanh.

Ngày 10/5/2023, Viện Kiểm sát đã đọc kết luận của Viện Kiểm sát, chúng tôi thấy kết luận này chưa đúng theo chứng cứ 2 bên đã đưa ra.

Chúng tôi khẩn thiết kêu cứu lên Thẩm phán để nghiên cứu lại tài liệu, chứng cứ thật kỹ trước khi tuyên án vì lời của Thẩm phán sẽ là quyết định, tất cả chúng tôi trông chờ vào sự công tâm của Thẩm phán.

Chúng tôi tóm lược mấy điểm mong được thẩm phán xem xét kỹ để kết luận như sau:

1. Nhà thờ chúng tôi thờ cụ Tổ nhưng những bài vị khác là thờ các cụ của chi 1, không thờ cúng bất kỳ người nào ở các chi khác, nên đây không thể là nhà thờ Tổ của chung của cả họ Hoàng.

2. Cổng ghi Đông Hoàng tổ miếu dịch nghĩa là nơi có thờ cụ Tổ họ Hoàng. Cổng làm năm 1938 theo câu đối trên cổng, do cháu của cụ tổ làm nên đắp chữ như vậy. Con cái thờ tổ tiên là điều bình thường theo truyền thống, hơn nữa chúng tôi là Chi 1 nên thờ cụ Tổ của chúng tôi, điều này không khẳng định được đây là nhà tờ Tổ chung của cả họ.

3. Nhà thờ do 01 người xây dựng nên không phải là nhà thờ Tổ của họ, là của chung của cả họ. Nhà xây năm 1893 theo dấu tích ghi trên câu đối ở trong nhà, nhà này do cụ Hoàng Yến Chỉ xây, và cụ lập bài vị thờ ông nội của cụ là cụ Hoàng Tế Mỹ.

 Truyền thống thờ cúng tổ tiên từ xưa đến nay, nhà có khả năng thì làm nhà lớn và làm bài vị thờ cúng tổ tiên. Nơi đây, các cụ đã sinh sống nối tiếp, đây là nơi ở, nơi canh tác nên đất mới rộng như vậy. Do vậy, sổ mục kê và trích lục bản đồ là đất TC (thổ cư) không phải loại đất chuyên chỉ thờ cúng và cấp cho ông nội tôi là Hoàng Tích Tộ.

4. Chúng tôi đưa ra được giấy tờ đầy đủ để chứng minh theo đúng quy định của Luật Đất đai và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/ 5 /2014.

5. Gia đình chúng tôi đã sinh sống ổn định và lâu dài, liên tục trên đất 39 năm, chỉ có tranh chấp từ năm 1995, khi ông nội chúng tôi mất đi. Hiện thành viên lên đến 44 người, rất nhiều người hiện đang phải đi thuê nhà để ở tạm, không có chỗ ở hợp pháp, ổn định nào khác nên rất khó khăn. Các ông bà đã tuổi cao, gần đất xa trời mà chưa có chỗ ở ổn định, tổ tiên không thể yên lòng.

6. Ông Hoàng Việt Tấn đã có đơn ngày 10/9/2016 gửi UBND phường Đông Ngạc xin đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với diện tích sử dụng là 600 m2, sử dụng mục đích làm nhà ở và làm vườn cho gia đình chú, trong hồ sơ có bản tự kê khai quyền sử dụng đất, chú Hoàng Việt Tấn viết tay diễn giải rõ nguồn gốc và quá trình sử dụng đất các giai đoạn: Từ trước 1960 đến 1987 là ông Hoàng Tích Tộ và bà Nguyễn Thị Tâm, từ 1978 đến nay là Hoàng Việt Tấn và Phan Thị Xuyến.

Như vậy, bản thân ông Tấn cũng xác định là nhà đất của ông Hoàng Tích Tộ (bố đẻ) nên làm đơn xin cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng lòng tham lớn chú Tấn đã phối hợp với một số người trong họ để âm mưu chiếm toàn bộ.

Ý định tranh chấp đất xong sẽ giao cho gia đình chú T. đại diện dòng họ được quyền toàn quyền quản lý, sử dụng vào mục đích gì thì chưa biết nhưng gia đình chú T. không phải mong muốn để thờ cúng tổ tiên.

Gia đình chú T. thường xuyên lên nhà thờ gây sự, đập phá, chửi bới, lấy côn đồ để đe dọa và UBND phường, công an phường Đông Ngạc nhiều lần lập biên bản.

Ngôi nhà mà gia đình chú T. nói đó là nhà Thờ Tổ nhưng lại đang biến nó thành nhà kho của gia đình chú, nhà chú T. đã để nhiều xe máy không sử dụng, nhiều đồ vật hỏng, để ngổn ngang trong và ngoài hè. Nếu thực sự tâm niệm muốn thờ cúng, tôn trọng tổ tiên thì sẽ không như vậy. Việc giao đất của chúng tôi cho dòng họ khiến chúng tôi lo lắng về sự giữ gìn tôn nghiêm dòng họ cũng như việc thờ cúng, đạo đức của dòng họ chúng tôi về sau này.

img-8919-1684144181.jpg
img-8920-1684144186.jpg

Vụ án đúng là đã kéo dài lâu năm, nhưng vụ án có quyền lợi của rất nhiều gia đình, nên chúng tôi khẩn thiết đề nghị quý toà dành thời gian nhiều hơn, xem xét kỹ hơn, đối chiếu chứng cứ 2 bên, để thấu đáo, phân xử tài sản, quyền sử dụng đất này là của ai.

Chúng tôi xin cảm ơn sâu sắc để vụ án được xét xử công bằng, nghiêm minh, cho các đời trước của chúng tôi thương con, thương cháu muốn thừa kế lại cho con, cho cháu được toại lòng, chúng tôi đấu tranh để không phụ lòng tổ tiên.

ĐỒNG KÍNH THƯ”

Bị đơn phân tích các quan điểm của nguyên đơn

Quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, cũng như thực tiễn tranh tụng tại toà, cho thấy việc xác minh, kết luận nguồn gốc đất, nguồn gốc nhà thờ vẫn là một vấn đề phức tạp, chưa thể ngã ngũ. Mỗi bên vẫn giữ quan điểm của mình với những chứng cứ, tài liệu khá phong phú. Dù tranh chấp đã kéo dài nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một phán quyết thiếu thuyết phục từ cơ quan chức năng có thể đẩy vụ việc đi xa hơn và trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Chứng kiến diễn biến phiên toà, PV nhận thấy Hội đồng xét xử (thẩm phán - chủ toạ: bà Nguyễn Thị Thanh Xuân; thẩm phán Nguyễn Xuân Phách, thẩm phán Nguyễn Ngọc Hoa) cũng luôn thể hiện sự tôn trọng với bề dày truyền thống của dòng họ Hoàng ở Đông Ngạc. Cách điều hành cũng thể hiện tính nhân văn khi liên tục gợi mở các bên về phương án giải quyết vấn đề, trong đó đặc biệt bày tỏ mong muốn hoà giải giữa những người mang huyết thống dòng họ. Thậm chí, thẩm phán - chủ toạ phiên toà còn chia sẻ, đại ý rằng “chúng tôi không hối hận khi quyết định hoãn xét xử, chúng tôi muốn dành cho các bên thời gian để ngồi lại với nhau, hoà giải để giữ đoàn kết dòng họ”. Hai từ “hoà giải” và “giải pháp” cũng được chủ toạ nhắc đi nhắc lại nhiều lần, hướng đến những cái đầu nóng bên dưới. Ngay cả việc kéo dài thời gian nghị án, dư luận cũng đánh giá là một hành động nhân văn từ phía HĐXX, mong muốn những người cùng huyết thống có thể tìm được tiếng nói chung.

Cần làm rõ nguồn gốc nhà, đất và quá trình chiếm hữu, trước khi tuyên án để các bên "tâm phục khẩu phục"

Bản án sơ thẩm đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt cả từ phía bị đơn và nguyên đơn bởi các tài liệu, chứng cứ chứng minh về nguồn gốc và quá trình quản lý, sử dụng nhà và đất vẫn nhiều sự mâu thuẫn giữa các bên. Nếu điều này không được làm rõ ràng, minh bạch, thì mọi phán quyết của toà phúc thẩm cũng không khiến các bên cùng “tâm phục khẩu phục”. 

Tác giả: QL - PH

                                                                                                                                                                                                                                              

 

 

 

 

 

 

QL - PH

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036